Thủ tướng Anh Boris Johnson (giữa) phản ứng với lãnh đảo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn trong phiên trả lời chất vấn các nghị sĩảnh: CNN |
Thủ tướng Anh Boris Johnson khai trừ 20 nghị sĩ cùng đảng, những người đã quay lưng với ông để bắt tay với đảng đối lập nhằm giành quyền kiểm soát quốc hội. Đề xuất của ông Johnson về tổ chức tổng tuyển cử sớm đã bị gạt bỏ và các nghị sĩ ở hạ viện cãi nhau đến tận nửa đêm 4/9.
Các nhà quan sát cho rằng thế giới đang chứng kiến những biến động lớn trong nền tảng căn bản nhất của chính trị Anh.
Hôm 3/9, 1,5 triệu người theo dõi kênh BBC Parliament để xem liên minh nghị sĩ nổi dậy giáng cho chính phủ một đòn mất mặt, chiếm quyền kiểm soát tiến trình Brexit và buộc Thủ tướng Johnson kêu gọi bầu cử sớm.
Đây là dịp hiếm hoi mà kênh BBC Parliament được nhiều người theo dõi như vậy trong một ngày. Nhiều người Anh băn khoăn nên xem chương trình Biscuit week yêu thích hay theo dõi chính phủ chia năm xẻ bảy như thế nào.
Những người chọn BBC Parliament được thết đãi một cảnh tượng thực sự vô song. Ông Johnson thua ngay trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên sau vài tuần lên nắm quyền, một sự kiện chưa từng có trong kỷ nguyên hiện đại.
Nhiều thành viên trong cùng đảng bỏ phiếu chống lại ông, trong đó có những nhân vật như “Cha của hạ viện” Kenneth Clarke, người có thâm niên làm chính trị nhiều hơn tuổi đời của nhiều nghị sĩ; và cháu nội của cựu Thủ tướng Winston Churchill, ông Nicholas Soames. Họ bị khai trừ bằng một sắc lệnh ngắn gọn của đảng nơi họ đã cống hiến gần trọn cuộc đời chính trị.
Nước mắt chực trào, ông Soames hôm 4/9 nói rằng ông “thực sự rất buồn khi chuyện kết thúc như vậy” và ông kêu gọi các nghị sĩ “tìm lại tinh thần thỏa hiệp, khiêm nhường và thấu hiểu”. Còn ông Clarke chỉ trích Thủ tướng hành xử “thiếu tôn trọng”.
Câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Trong phiên trả lời chất vấn đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Johnson gọi chính sách kinh tế của Công đảng đối lập là “vớ vẩn” và nghị sĩ Tanmanjeet Singh Dhesi nhận được tràng vỗ tay dài bất thường sau khi cáo buộc Thủ tướng cổ vũ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Anh. Sau đó, các nghị sĩ Anh còn bồi thêm cho ông Johnson một cú thất bại nữa bằng cách thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không có thỏa thuận.
Những diễn biến kịch tính trong hạ viện Anh không chỉ khiến người xem ngao ngán, mà còn đặt ra những câu hỏi về sự ổn định của một trong những cơ quan lập pháp lâu đời nhất thế giới.
Tiến trình Brexit khiến nhiều người đang theo dõi xem hiến pháp, quy trình, quy tắc của nước Anh mạnh như thế nào. Khủng hoảng ở một trong những cơ quan đại diện lâu đời làm gia tăng lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng hiến pháp toàn diện ở nước này. Kế hoạch của ông Johnson rằng sẽ đình chỉ hoạt động của quốc hội bị cho là “xúc phạm hiến pháp” vì hạn chế thời gian các nghị sĩ tranh luận về Brexit.
Hiến pháp Anh là bất thành văn, nghĩa là nó được duy trì chủ yếu thông qua tiền lệ. Điều này khiến một số nhà bình luận băn khoăn liệu điều này có còn phù hợp.
Tác giả: BÌNH GIANG
Nguồn tin: Báo Tiền Phong