Trong danh sách này, 4 doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo hướng nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - công ty mẹ (TKV), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood 1), Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.
Có 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Nhóm này gồm một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC)...
MobiFone và loạt 'ông lớn' được Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa trước năm 2021. |
Có 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không giữ cổ phần như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)...
"Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định", quyết định nêu rõ.
Quyết định nêu rõ lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nói trên phải định kỳ hàng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả cổ phần hóa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo quyết định thì các tập đoàn, tổng công ty chỉ còn hơn 15 tháng để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng đã giao. Mục tiêu này khá thách thức trong bối cảnh việc cổ phần hóa gần đây tiếp tục diễn biến chậm. Theo Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa năm 2019 chưa đạt được kế hoạch khi còn tới 92 trong số 127 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, tương đương 72%, trong khi hiện đã bước sang quý III.
Cơ quan này cũng cho biết, từ năm 2017 đến hết quý II/2019, các bộ, ngành đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng.
Tác giả: Nam Dương
Nguồn tin: vietQ.vn