Đại biểu trao đổi về dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội sáng 12/11 |
Tương lai một ngành công nghiệp hàng không đột phá
Dẫn câu chuyện cách đây 25 năm, đường dây 500 kv được Quốc hội, Chính phủ và người đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định đầu tư đã đem lại đột phá trong tăng trưởng kinh tế xã hội, giúp chúng ta hoàn toàn làm chủ công nghệ truyền dẫn, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bạc Liêu) nhấn mạnh về tầm quan trọng và cần thiết của dự án CHK quốc tế Long Thành.
“Chúng ta có nguồn lực, có sự chỉ đạo của Chính phủ, của Quốc hội, có quyết tâm như vậy, không lẽ nào không làm được”, ông Hồng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng: Nếu giao Dự án cho một doanh nghiệp trong nước thì sẽ có một tương lai, có một ngành công nghiệp hàng không đột phá trong giai đoạn sắp tới.
“Tôi đã từng chất vấn Thủ tướng Chính phủ rằng điểm nghẽn của chúng ta hiện nay là pháp luật và tôi đề nghị cần có 1 Nghị quyết về vấn đề này” - ông Hồng nói.
Đề cập tới nguồn vốn đầu tư của dự án, Đại biểu đoàn Bạc Liêu phân tích: "Một số đại biểu cho rằng nếu sử dụng vốn đầu tư không có bảo lãnh của Chính phủ thì không tác động đến nợ công. Quan điểm của tôi khác, nếu cần thiết phải dùng nợ công, phải tăng nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, nợ công của chúng ta ngày càng giảm đến mức an toàn, vậy tại sao chúng ta không được phép tăng nợ công trong trường hợp này để đầu tư cho Long Thành…”.
Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh), đây là công trình thế kỷ có ý nghĩa rất quan trọng về an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
“Dự án sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, đại biểu Nghĩa nhìn nhận và lưu ý nhưng nếu làm không tốt, dự án sẽ đè nặng lên đôi cánh phát triển của đất nước như một số dự án “trùm màn, đắp chiếu” đang tồn tại.
Đề cao trách nhiệm và sự thận trọng trong việc đầu tư dự án này, ông Nghĩa đề xuất: “Phải đảm bảo Dự án là một “phần thưởng” quý báu chứ không thể là một dự án “bỏ thì thương, vương thì tội”.
ĐB TP Hồ Chí Minh cũng tán thành chủ trương giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước nhưng cho rằng phải có chính sách quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý nguồn vốn, nhất thiết đảm bảo các nguyên tắc khi thực hiện đầu tư dự án.
“Pháp luật phải nghiêm minh, không để Dự án bị các nhóm lợi ích, nhóm “sân sau” chi phối”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng dự án cần thực hiện nhanh nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, không loại trừ khả năng phải thuê, phải mua của nước ngoài về công nghệ, lực lượng thi công và giám sát Dự án.
Ông Nghĩa đề nghị phải đảm bảo dự án chất lượng cao, hiệu quả và trình độ công nghệ đón đầu thế giới, vì đây là sân bay trung chuyển nên phải cạnh tranh rất mạnh với các sân bay trong khu vực, nếu không cạnh tranh được thì lỗ nặng.
Ông Trương Trọng Nghĩa yêu cầu nghiên cứu kỹ ý kiến chuyên gia trong nước và nước ngoài chứ “không phải là các chuyên gia được hưởng lợi từ dự án”. Cùng đó, làm rõ thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội, lấy ý kiến rộng rãi hơn trong nhân dân để đưa ra biểu quyết vào đầu năm 2020.
Đảm bảo an ninh quốc phòng, công nghệ tiên tiến và hiệu quả
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) tán thành dự án xây dựng CHK quốc tế Long Thanh vì vừa đảm bảo phục vụ khách du lịch, phục vụ đi lại của người dân và đảm bảo an toàn bay. Ngoài ra, dự án cũng phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải chú trọng vấn đề an ninh quốc phòng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.
“Với 2 điểm trên, tôi cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ về dự án CHK quốc tế Long Thành”, ông Ngân nói và đưa ra 4 đồng ý của mình, gồm: đồng ý đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 111 nghìn tỷ đồng; đồng ý điều chỉnh diện tích đất dành cho quốc phòng; chấp thuận chủ trương bổ sung 2 tuyến đường số 1, số 2 để kết nối đường QL51 và đường cao tốc Long Thành - Cầu Giây để phát huy hiệu quả dự án và phục vụ thi công; và đồng ý chọn nhà đầu tư.
Về chọn nhà đầu tư, ông Ngân phân tích, giải trình của Chính phủ việc chọn ACV và Tổng công ty Quản lý bay đều có cơ sở và ông “tin tưởng hoàn toàn việc chọn đảm bảo đủ các tiêu chí”.
Tuy nhiên, ông chỉ đề xuất Chính phủ lưu ý việc chọn nhà đầu tư phải đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng là trên hết, đảm bảo tính công nghệ hiện đại, tiên tiến và hiệu quả.
Tác giả: An Na - Thanh Bình
Nguồn tin: Báo Giao thông