Các nước tăng cường xét nghiệm và tiêm chủng vaccine để kiểm soát làn sóng Covid-19 mới (Ảnh minh họa: AFP). |
"Chúng tôi tin rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu, có khả năng vào năm 2024", Nanette Cocero, chủ tịch toàn cầu của Pfizer Vaccines, cho biết trong cuộc trao đổi với các nhà đầu tư hôm 17/12.
Các chuyên gia cho rằng Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu khi cộng đồng có đủ khả năng miễn dịch nhờ tiêm vaccine hoặc hồi phục sau khi nhiễm bệnh, từ đó giúp kiểm soát tình trạng lây nhiễm, nhập viện và tử vong, ngay cả khi virus vẫn tiếp tục lây lan.
"Kịch bản này xảy ra khi nào và bằng cách nào còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, mức độ hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine cũng như các phương pháp điều trị, và sự phân phối công bằng vaccine đến những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng có thể tác động đến diễn biến của đại dịch", Giám đốc khoa học của Pfizer Mikael Dolsten cho biết.
Theo Dolsten, thời gian Covid-19 chuyển thành bệnh đặc hữu có thể thay đổi tùy theo từng nơi.
"Có vẻ như trong một hoặc hai năm tới, một số khu vực sẽ chuyển sang mô hình coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, trong khi các khu vực khác sẽ tiếp tục ở trong tình trạng đại dịch", Dolsten dự đoán.
Dự đoán của các lãnh đạo Pfizer được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối phó với làn sóng Covid-19 tăng mạnh do biến chủng Delta, trong khi biến chủng Omicron cũng đang lây lan nhanh chóng. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky hôm 17/12 cho biết, số ca nhập viện mới do Covid-19 trung bình trong 7 ngày qua tăng 4% so với tuần trước đó.
Angela Hwang, chủ tịch Pfizer Biopharmaceuticals Group, cho biết vaccine và các phương pháp điều trị Covid-19 như thuốc kháng virus của Pfizer có thể trở nên phổ biến hơn khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu.
Dự đoán của các lãnh đạo Pfizer được đưa ra trong bối cảnh thế giới vừa xuất hiện siêu biến chủng Omicron. Mặc dù hiện có rất ít thông tin, nhưng Omicron đang gây lo ngại do biến chủng này chứa lượng đột biến cao chưa từng có.
Giới khoa học đang chạy đua để "giải mã" Omicron, trong đó có việc giải mã câu hỏi liệu Omicron có dễ lây lan hơn, dễ né miễn dịch, làm giảm hiệu quả của vaccine không. Các hãng dược cũng không loại trừ kịch bản thế giới phải điều chỉnh chiến dịch tiêm chủng vaccine để đối phó biến chủng mới.
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019. Đến nay, đại dịch này đã khiến gần 275 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, hơn 5 triệu người tử vong. Nhiều chuyên gia tin rằng, Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu theo mùa vào khoảng năm sau với điều kiện độ phủ vaccine toàn cầu đủ lớn.
Tỷ phú Bill Gates thừa nhận biến chủng Omicron "đang gây lo ngại", nhưng cũng nhấn mạnh với tốc độ phát hiện biến chủng mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, ông hy vọng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022.
Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách vấn đề Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 15/12 cho rằng thế giới sẽ có đủ công cụ để thoát đại dịch vào năm 2022.
Hồi tháng 10, WHO đã đưa ra chiến lược nhằm đạt mục tiêu độ phủ vaccine Covid-19 toàn cầu 70% vào giữa năm sau. Vaccine được coi là một trong những công cụ hiệu quả để ngăn đà lây lan của đại dịch. Theo WHO, biến chủng Omicron có thể làm giảm hiệu quả của vaccine, điều này đồng nghĩa với việc thế giới có thể cần triển khai chiến lược tiêm chủng mũi vaccine tăng cường hoặc điều chỉnh vaccine.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí