Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Anh Tuấn. |
Án hành chính tồn đọng kéo dài
Ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể thứ 10, cho ý kiến về kết quả giám sát liên quan các vụ án hành chính. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, sau khi trực tiếp giám sát tại 10 tỉnh, thành, đoàn giám sát nhận thấy, UBND và chủ tịch UBND nhiều địa phương còn chưa nghiêm túc chấp hành quy định của luật.
Theo điều 60, Luật Tố tụng hành chính 2015, nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu, thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Tuy nhiên, tình trạng không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng gia tăng.
Riêng năm 2017, con số này tăng gấp ba lần so với trước khi thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2015. Tại Hà Nội, trong 3 năm xét xử 189 vụ án hành chính, chưa có vụ nào chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND thành phố tham gia tố tụng. Tại TPHCM, trong năm 2017 có 260/260 vụ án hành chính không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND thành phố vắng mặt tại tòa.
Nguyên nhân được đưa là “bận công tác” và do luật thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tế, có những địa phương dù số lượng án hành chính lớn nhưng họ vẫn bố trí người tham gia nghiêm túc. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cử cán bộ tham gia tố tụng nhưng lại không thể quyết định được những vấn đề trong vụ án, nên lại đề nghị hoãn phiên tòa để về xin ý kiến chủ tịch UBND, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết. Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ làm rõ các nguyên nhân, đồng thời tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Trưởng đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ tại sao lại có tình trạng ngại va chạm, nể nang trong xét xử, thi hành án. “Có người nói lâu lâu viện kiểm sát, tòa án phải xin tiền ủy ban để hoạt động, không biết có đúng không? Hay lệ thuộc ở quyết định, nhận xét của cấp ủy trong quá trình bổ nhiệm lại? Tưởng ở huyện nể nang nên khó làm, nhưng lên tỉnh cũng thế, vậy bản chất ở đây là gì?”, bà Nga nêu.
Ðiệp khúc “bận công tác”
Tại buổi làm việc, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tổng số vụ quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND được thụ lý, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm là hơn 13.400, trong đó có hơn 1.000 bản án, quyết định bị sửa, hủy. Án hành chính có tỷ lệ giải quyết thấp nhất; đây là tồn đọng lớn nhất của tòa án. Ngoài những tồn tại đoàn giám sát nêu, ông Bình chỉ ra một số vướng mắc lớn. Trước tiên, không có sự bình đẳng về khả năng thu thập thông tin của người dân; các sở, ngành cung cấp có mức độ. Việc đến cơ quan nhà nước lấy tài liệu, hồ sơ thường khó hơn các cơ quan khác, nên khi kiện ra tòa, người dân thường ở thế yếu. Trong khi đó, khả năng thu thập bằng chứng của chính quyền lại tốt hơn.
Đề cập sự tham gia của chủ tịch UBND cũng như người đại diện tại phiên tòa, ông Bình đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát, nhưng cũng chia sẻ với lãnh đạo địa phương. Ở Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi ngày phải xử 3 vụ thì mỗi ngày phải có 3 chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa. Dù vậy, ông Bình cho rằng, việc khó thi hành án chủ yếu do quá trình tố tụng, chính quyền không tham gia đối thoại. Khi tòa tuyên chính quyền thua, lập tức có ý kiến phản biện và kháng nghị.
Đồng tình với nhận định về sự bất bình đẳng khi thu thập tài liệu giữa người dân với cơ quan nhà nước, nhưng bà Lê Thị Nga không đồng tình với lý do vắng mặt của lãnh đạo địa phương. “Chẳng lẽ trong ba năm trời, ở một thành phố lớn lại không cử được một đồng chí phó nào cả? Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia, nhưng vì sao lại không tham gia đối thoại được với người dân?”, bà Nga nêu phản ánh của cử tri với đại biểu Quốc hội.
Trước phản ứng của chính quyền khi bị thua kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi ngược lại: Luật đã quy định, nhưng tại sao cả quá trình đối thoại, tòa mời lại không tham gia, tới khi phán quyết thì phản ứng, nói không chấp hành vì tòa
không đúng?
Vô cảm, coi thường dân?
Giật mình trước những con số đoàn giám sát đưa ra ở hai thành phố lớn, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho rằng, như thế là vi phạm điều 60, Luật Tố tụng hành chính 2015. Không thể chấp nhận chủ tịch UBND mà lại không biết có bao nhiêu vụ kiện hành chính, đến khi có vụ kiện lại vắng mặt với lý do “bận công tác”. Theo ông Kim, nguyên nhân do nhận thức trách nhiệm quá kém, không tuân thủ pháp luật, vô cảm trước quần chúng, coi thường các vụ kiện hành chính, coi thường dân, có trường hợp còn thách thức dân.
“Nếu không xúc động trước việc khó việc khổ của dân thì đừng làm cán bộ lãnh đạo nữa”, ông Kim nói. Ông cho rằng, tâm lý ngại va chạm là nguyên nhân gốc rễ vì quan niệm “vua tôi” vẫn còn tồn tại ở địa phương. Ông đề nghị xem lại tổ chức hành chính, đảm bảo tính độc lập của tòa án.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp, cho rằng còn có nguyên nhân từ nhận thức. “Cần phải nhận thức đây là vụ kiện hết sức bình thường. Thế nhưng các chủ tịch UBND chưa biết đúng sai thế nào, chỉ cần có tờ giấy thôi là coi như bị xúc phạm, coi thường và bị tổn thương, nên thấy rất khó chịu khi bị triệu tập ra tòa”, ông Sáu nói. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, còn yếu tố chủ quan là ngại va chạm. Đã là cơ quan xét xử, phải thượng tôn pháp luật, không chịu bất cứ sức ép nào, ông nói.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong ba năm (2015-2017), 100% trường hợp chủ tịch UBND và UBND không chấp hành án nhưng cơ quan thi hành án đều không có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm, cũng không đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, xử lý trách nhiệm người không chấp hành án. |
Tác giả: THÀNH NAM
Nguồn tin: Báo Tiền Phong