Sáng 18/6, các ĐBQH Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh tiếp xúc cử tri xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Nga |
ĐBQH Lê Quang Huy thông tin đến cử tri kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV từ ngày 21/5 đến 14/6.
Kỳ họp đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội dành thời gian xem xét, thông qua 7 dự luật, 7 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
Đại biểu Lê Quang Huy cũng thông báo, các kiến nghị của cử tri huyện Kỳ Sơn đã được đoàn ĐBQH chuyển đến các cơ quan chức năng, cấp, ngành liên quan xem xét, xử lý.
Đại biểu Lê Quang Huy thông tin đến cử tri kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, cũng như hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An tại kỳ họp. Ảnh: Mỹ Nga |
Cử tri xã Tây Sơn phấn khởi trước hoạt động của đoàn ĐBQH Nghệ An tại kỳ họp, đồng thời kiến nghị nhiều vấn đề.
Cử tri tập trung kiến nghị đến Quốc hội quan tâm tình trạng thất nghiệp của con em miền núi sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng; kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, đáp ứng đời sống dân sinh như điện, đường; quan tâm hơn nữa chính sách hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa; xem xét độ tuổi hưởng chế độ chính sách của người cao tuổi; có chính sách ưu tiên con em miền núi là sinh viên chính quy trong các kỳ thi tuyển công chức.
Cử tri Bùi Nỏ Thu phản ánh, đời sống của người dân miền núi đang gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, người dân nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, mang lại những dự án mới, công nghệ mới, song các mô hình kinh tế khi được hỗ trợ xây dựng mang lại hiệu quả chưa cao, khiến người dân cảm thấy lúng túng. "Chúng tôi không biết làm gì để thoát nghèo” - cử tri bộc bạch.
Tại buổi tiếp xúc ghi nhận 6 lượt ý kiến của cử tri xã Tây Sơn. Ảnh: Mỹ Nga |
Cử tri Hà Văn Sự đề cập đến những vấn đề liên quan tới Luật Dân quân tự vệ, cho rằng phụ cấp cho Chỉ huy phó BCH quân sự cấp xã còn thấp, cũng như kinh phí hoạt động của quân sự xã đang gặp nhiều khó khăn, không đủ chi trả, trong khi chương trình hoạt động, công tác rất nhiều.
Liên quan đến Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cử tri Hạ Bá Thu nêu băn khoăn, những cán bộ cấp xã tiến tới được sáp nhập thì sẽ được bố trí nơi làm việc và đảm nhận công việc như thế nào.
Trong khi đó, cử tri Vừa Bá Tủa phản ánh, đối với người dân miền núi, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng. Tại Tây Sơn - xã có diện tích rừng bảo vệ lớn nhất toàn huyện, nhiều hộ dân còn tự nguyện trồng rừng. Song hiện nay dịch vụ chi trả môi trường rừng cho người dân miền núi còn thấp, chỉ 2 triệu đồng/hộ. Để khích lệ người dân nâng cao tinh thần bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống, cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tới vấn đề bức thiết này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu trực tiếp giải trình các ý kiến của người dân. Ảnh: Mỹ Nga |
Sau khi lắng nghe tiếp thu các kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp giải trình những vấn đề cử tri quan tâm.
Liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành kể từ năm 2005, qua 2 lần sửa đổi, đến nay đã được Quốc hội sửa đổi một cách toàn diện, dự kiến thông qua vào tháng 10/2018.
Đại biểu khẳng định, đây là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, động chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, song với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang gặt hái nhiều thành công.
Trả lời vấn đề của cử tri về Luật Dân quân tự vệ, đại biểu Cầu cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng, trong đó lần đầu tiên ghi nhận lực lượng vũ trang bao gồm các đối tượng: quân đội, công an, và dân quân tự vệ.
Do đó, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục điều chỉnh Luật Dân quân tự vệ, nhằm có chế độ phù hợp với lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở. Đại biểu cũng đề nghị, lực lượng công an và dân quân tự vệ xã Tây Sơn cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ghi nhận nguyện vọng chính đáng của người dân khi vấn nạn đất sản xuất ngày càng thu hẹp do những hiệu ứng tiêu cực từ rừng phòng hộ, ông Nguyễn Hữu Cầu nêu rõ: “Đất là tư liệu sản xuất chính, dù quy hoạch thế nào, cũng phải có đất cho bà con sản xuất”.
Đại biểu cho biết, tại kỳ họp vừa rồi, đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã truy vấn vấn đề này tại Nghị trường, và tiếp tục theo đuổi đến cùng để có câu trả lời xác đáng cho người dân.
Tác giả: Mỹ Nga
Nguồn tin: Báo Nghệ An