Xã hội

Núp bóng Nhà thuốc Bệnh viện đa khoa Tuyên Quang, bán thuốc "hết đát" cho người bệnh

Gần 200 lọ thuốc nhập khẩu được bầy bán công khai khi đã hết hạn sử dụng. Liệu có dấu hiệu dung túng bảo kê từ phía bệnh viện ?

Theo thông tin phản ánh của người dân về một cửa hàng Dược phẩm được bán trong khuôn viên bệnh viện đa khoa nhiều năm nay dưới cái vỏ bọc nhãn mác là: Nhà thuốc bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đạt tiêu chuẩn thực hành tốt ...Điều này khiến nhiều người bệnh lầm tưởng về chất lượng thuốc đảm bảo nên đã không ngần ngại lựa chọn.

Tấm biển in hàng chữ lớn: Nhà thuốc bệnh viện đa khoa Tuyên Quang treo trước cửa hàng (Ảnh: Tiến Vũ)

Chiều ngày 8/11/2017, Tổ công tác liên ngành 389 (Ban chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng) tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng này và phát hiện gần 200 lọ thuốc nhập khẩu nhãn hiệu LIVPAR hết hạn sử dụng, nhưng vẫn được bày bán công khai cho người bệnh. Nên đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời thu giữ toàn bộ lô hàng trên chờ xử lý.

Được biết LIVPAR là loại thuốc điều trị tăng amoniac máu và bệnh não gan. Giá bán trên thị trường từ 30 - 50 nghìn/1 ống.

Việc cửa hàng này cố tình tiêu thụ sản phẩm quá hạn sử dụng đã vi phạm Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Mức phạt có thể lên tới hàng chục triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.

Hành vi trá hình bằng cách dùng biển quảng cáo Nhà thuốc bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vi phạm khoản 1 điều 66 Nghị định 158/2013 phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng. Buộc tháo dỡ biển hiệu sai quy định.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Pháp luật plus. Hiện tại cửa hàng này vẫn ra vào tấp nập hoạt động bình thường và để nguyên biển hiệu như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Pháp luật plus, ông Hoàng Văn Hùng - Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Đúng là bên chúng tôi đang thu giữ lô thuốc hết hạn sử dụng của Nhà thuốc bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Hiện tại chúng tôi còn kiểm tra cả về các thủ tục và cả biển hiệu nữa. Quan điểm là họ sai đến đâu xử lý đến đấy theo đúng quy định của pháp luật".

Về vấn đề nhà thuốc này vẫn để nguyên biển hiệu vi phạm và hoạt động bình thường. Ông Hùng giải thích: "Chưa đâu, cái này chưa đến mức đình chỉ vì cũng ít thôi những ống thuốc nó chỉ bé bằng ngón tay và giá trị theo hóa đơn có 10 nghìn 1 lọ thôi".

Ban phòng chống hàng giả đang kiểm tra cửa hàng dược chiều ngày 8/11 (Ảnh: Tiến Vũ)

Thời gian qua, rất nhiều vụ việc được người dân và báo chí phản ánh về chất lượng phục vụ người bệnh từ các bệnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Hàng loạt trường hợp liên quan nguời bệnh tử vong đều được dàn xếp bằng tiền và xử lý hời hợt.

Gần đây nhất, vụ hàng trăm chứng chỉ giả lưu hành trong bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng được dư luận nhắc tới.

Bác sỹ Phạm Quang Thanh - Giám đốc bệnh viện đa khoa Tuyên Quang trong 1 buổi làm việc với phóng viên (Ảnh: Tiến Vũ)

Nhiều câu hỏi đặt ra rồi bỏ ngỏ. Đó là liệu phía sau những tiêu cực này có ai đó chống lưng bảo kê ? Những "con sâu làm rầu nồi canh" còn tồn tại đến bao giờ?

Tác giả: Tiến Vũ

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP