Giáo dục

Nữ sinh đòi lương 2.000 USD: Tiền không phải mục tiêu chính

Thiếu nữ đòi lương khởi điểm 2.000 USD chia sẻ cô đặt câu hỏi này vì muốn biết doanh nghiệp hiện nay cần những gì ở sinh viên.

“Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?”

Những ngày gần đây, câu hỏi của một nữ sinh về việc cô cần phải học tập và làm như thế nào để có mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng khiến dư luận xôn xao, đưa ra nhiều ý kiến trái chiều.

Chủ nhân của câu hỏi này là Phạm Thị Thanh, hiện là sinh viên năm 3, ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật Mật mã. Cô đã gây chú ý cho các nhà tuyển dụng trong buổi tọa đàm nghề nghiệp hôm 29/11.

Luôn đặt câu hỏi

Phạm Thị Thanh chia sẻ mức lương 2.000 USD là một trong những mục tiêu của kế hoạch dài hạn mà cô đặt ra ngay từ khi bước chân vào đại học.

Lúc còn là sinh viên năm nhất, không giống như bạn bè đồng trang lứa tự cho phép mình nghỉ xả hơi sau thời gian ôn thi đại học vất vả, Thanh đã lên kế hoạch và nỗ lực để trở thành kỹ sư ngành An toàn thông tin.

Theo Thanh, khi theo học một ngành nào đó, sinh viên cần biết rõ chương trình học đó như thế nào? Sau khi ra trường, họ có thể làm những gì, ra sao và ở đâu?

Phạm Thị Thanh mới đây gây chú ý với câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”. Ảnh:Vietnamnet.

Nữ sinh thường đặt ra câu hỏi về các môn học được dạy ở trường sẽ giúp cô ứng dụng như thế nào và vào lúc nào? Hay chúng thực sự giúp ích cho quá trình làm việc sau này ra sao?

9X đưa ra quan điểm trong học tập và làm việc: “Tôi luôn muốn biết rõ tường tận giá trị của từng môn học, cũng như muốn tối ưu hóa mọi công việc, học tập đạt hiệu quả nhất.

Tôi cần biết giá trị cốt lõi của môn học, chương trình mình học, thay vì cứ học mà không biết sẽ làm gì với kiến thức đó”.

Với Thanh, việc nghiêm túc đặt câu hỏi cho chính mình và người khác giúp cô có định hướng rõ ràng cho con đường bản thân sẽ đi.

Đó là lý do nữ sinh Học viện Kỹ thuật Mật mã "đòi" mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng khi giao lưu cùng nhà tuyển dụng. Cô muốn nghe doanh nghiệp nói ra những điều họ cần ở những người trẻ.

“Doanh nghiệp luôn nói họ phải đào tạo lại sinh viên khi ra trường. Vì vậy, tôi muốn biết họ cần chúng tôi như thế nào? Từ đó, ngoài học tập thật tốt tại trường, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu chuyên sâu những kiến thức, mảng mà doanh nghiệp cần”, Thanh giãi bày.

Nữ kỹ sư tương lai chia sẻ do đây là buổi tọa đàm về nghề nghiệp nên cô mới mạnh dạn đặt ra câu hỏi như vậy.

Thực tế, mức lương 2.000 USD không phải mục tiêu của Thanh. Đây là con số cô nghĩ một kỹ sư chất lượng cao, đã đồng hành cùng doanh nghiệp từ lúc sinh viên đến khi ra trường có thể nhận được.

Nói về trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề nhân sự, Thanh bày tỏ doanh nghiệp cần tạo điều kiện làm việc tối đa, quản lý phải giỏi, lương và thưởng thật công bằng, đặc biệt là quan tâm đến cuộc sống của nhân viên trong công ty.

Nếu doanh nghiệp chỉ chăm làm lợi cho mình, không nghĩ đến nhân viên thì khó lòng giữ được nhân lực giỏi.

Không quan tâm người khác nói

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Phạm Thị Thanh cho biết cô vẫn đang nỗ lực thực hiện kế hoạch riêng. Hiện nữ sinh làm quản lý nhân sự cho một trung tâm ngay tại trường đại học. Công việc mang lại cho Thanh thu nhập ổn định và nhiều kỹ năng đắt giá.

Ngoài ra, 9X còn tham gia các khóa học về chứng chỉ tin học quốc tế để bổ sung thêm kiến thức.

Nữ sinh chụp ảnh lưu niệm cùng bạn trong buổi hội thảo mà cô đặt ra câu hỏi gây xôn xao. Ảnh: FBNV.

Khi được hỏi rằng bản thân có tự tin sẽ đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD hay không, Thanh tâm sự có thể vào thời điểm này năm sau, cô sẽ suy nghĩ khác.

Câu hỏi nữ sinh năm 3 đặt ra cho các nhà tuyển dụng chỉ mang tính chất mở. Số tiền tượng trưng trong đó không quan trọng bằng giá trị mà những câu trả lời mang lại cho người trẻ.

“Kể cả khi đạt được mức lương khởi điểm 2.000 USD, tôi cũng không bao giờ khoe khoang. Vì tôi làm không phải để chứng mình điều gì.

Tôi tin nếu mình làm tốt, cống hiến hết mình thì những việc tốt sẽ đến. Còn những người ngoài xã hội, họ nói sao cũng được”, Thanh bộc bạch.

Trước những phản ứng, bình luận gay gắt của nhiều người cho rằng nữ sinh ảo tưởng, đòi hỏi mức lương khởi điểm quá cao, Thanh tỏ ra không mấy quan tâm.

Với 9X, các bình luận ác ý trên mạng xã hội làm cô buồn, nhưng sẽ không thể khiến cô nhụt chí hay từ bỏ mục tiêu, ước mơ của mình.

Theo Vietnamnet, trả lời câu hỏi của sinh viên Phạm Thị Thanh, ông Khổng Huy Hùng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) - cho rằng con số 2.000 USD không quan trọng bằng việc em sẽ mang lại cho công ty bao nhiêu.

"Một bạn sinh viên mới ra trường, thông thường, anh không nghĩ bạn ấy sẽ mang lại được 10.000-15.000 USD/tháng để anh trả lại cho bạn ấy 2.000 USD", ông Hùng nói.

Ông Lê Minh Hưng - Giám đốc Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) - cũng khuyên người trẻ nên kiên nhẫn một chút trong vấn đề lương sau khi ra trường.

Tác giả bài viết: Hoàng Như

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP