19 giờ 20 phút ngày 19-5, trên trang web của VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) mới chính thức có thông cáo báo chí về cuộc họp đầy "dung tục" của quan chức VFF và VPF (Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) diễn ra vào chiều 15-5.
Có nghĩa là gần một ngày sau khi đoạn ghi âm phản ánh tính chất "hung tợn" của Phó Chủ tịch HĐQT VPF, Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng được công bố trên mạng xã hội - VFF mới lên tiếng!
Cách xử lý này của lãnh đạo VFF cho thấy họ không thể ém nhẹm thông tin nhằm đối phó trước sức ép dư luận.
Tại sao chúng tôi lại khẳng định như thế?
Vì rằng, vụ việc đã diễn ra trước đó hơn 4 ngày, thế mà lãnh đạo của VFF, VPF và Ban Trọng tài đều giấu kín. Thậm chí, Tổng Thư ký Lê Hoài Anh và Trưởng Ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi khi trả lời Báo Người Lao Động ngày 19-5 đều cho thấy sự vô trách nhiệm khi đưa ra nguyên nhân: Họ chỉ là người tham dự, không giữ vai trò chính, cuộc họp nội bộ không thể đưa thông tin ra ngoài khi chưa có kết luận...
Thế thì, ông Lê Hoài Anh giữ chức Tổng Thư ký làm gì khi không biết "bảo vệ" ông Dương Văn Hiền là Ủy viên BCH VFF bị "người ngoài VFF" là ông Trần Mạnh Hùng đe dọa hành xử theo kiểu xã hội đen? Sao ông Hoài Anh không cho biết đã báo cáo tình hình cuộc họp với lãnh đạo chưa?
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mùi giữ chức Trưởng Ban Trọng tài làm gì khi không có chính kiến nào trong cuộc họp đầy "dung tục" đang gây bức xúc dư luận, bào mòn niềm tin ít ỏi còn lại của người hâm hộ đối với bóng đá nước nhà?
Rồi ông Nguyễn Nam Hùng - Trưởng Ban Kiểm tra VFF. Ông phải biết khi giữ vị trí này, ông có quyền kiểm tra và đưa ra kết luận xử lý với tất cả thành viên trong bộ máy VFF, sau đó sẽ báo cáo để có quyết định cuối cùng trước đại hội VFF (nếu có thời gian tiến hành), hoặc trong BCH VFF. Do đó, với chức năng và quyền hạn của mình, ông Nam Hùng có quyền yêu cầu các thành viên tham dự cuộc họp tường trình rồi kết luận hướng xử lý, thay vì thụ động nói rằng: "Chúng tôi chờ lãnh đạo liên đoàn có ý kiến ra sao sẽ sắp xếp xử lý".
Và, người quan trọng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình khi để một cuộc họp sặc mùi xã hội đen diễn ra – đó là ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VFF, người thay quyền Chủ tịch Lê Hùng Dũng để điều hành VFF những khi ông Dũng không có mặt ở Hà Nội. Vậy tại sao ông Tuấn không tham dự cuộc họp mà chỉ để ông Lê Hoài Anh tham dự?
Có chi tiết này phải được nói ra, đó là ngày 14-5, ông Quốc Tuấn và ông Trần Anh Tú (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPF, Trưởng Ban Điều hành V-League, Hạng nhất, Cúp quốc gia) cùng có mặt tại Đà Nẵng để tham dự giải Futsal, nhưng chiều 15-5, ông Anh Tú bay về Hà Nội để tham dự cuộc họp, còn ông Quốc Tuấn vắng mặt.
Là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn cũng như điều hành VFF khi ông Dũng không có mặt ở Hà Nội, vậy có công việc nào quan trọng hơn trong chiều 15-5 đối với ông Quốc Tuấn? Trong khi cuộc họp này rất quan trọng về chuyên môn vì liên quan đến mối quan hệ ba bên VFF, VPF và Ban Trọng tài mà VFF đóng vai trò quan trọng nhất để giải quyết sự việc.
Nói thẳng, sự vắng mặt của ông Trần Quốc Tuấn đồng nghĩa với sự trốn tránh trách nhiệm!
Cuộc họp tai tiếng chiều 15-5 đã phác họa đầy đủ thực trạng bát nháo, nhố nhăng trong bộ máy lãnh đạo VFF, VPF và Ban Trọng tài. Lỗi này là từ lãnh đạo, lãnh đạo như thế nào thì bộ máy sẽ vận hành như thế nấy. Vì thế cũng đừng ngạc nhiên vì sao người dân mong lắm Chính phủ lập lại kỷ cương ở VFF khi đại hội VFF khóa 8 đã và đang được chuẩn bị đến giai đoạn quyết định.
Đừng quên bóng đá ngoài chức năng tạo sự tranh đua về thể chất thì cũng là môi trường tốt để giáo dục thế hệ trẻ, gắn kết tinh thần dân tộc.
Bóng đá thể hiện sức mạnh dân tộc!
Cuộc hòa giải dẫn đến cãi vã, chửi bới rồi đe dọa với những lời lẽ khó tin ở cấp lãnh đạo VPF
Tác giả: Tú Anh
Nguồn tin: Báo Người lao động