KCN Nam Cấm hiện nay vẫn chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ do vướng mắc nhiều thủ tục liên quan đến đất đai đối với một số nhà đầu tư thứ cấp |
Trong khi đó, nhiều bất cập về hạ tầng kỹ thuật tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn chưa thể hoàn thiện theo hướng hiện đại, bắt nhịp cùng xu thế phát triển.
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thấp
Theo số liệu của UBND tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn có 05/11 KCN đã được đầu tư xây dựng hạ tầng (riêng KCN Nam Cấm có 02 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng), trong đó có 02 dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm: KCN Nam Cấm cũ và KCN Đông Hồi.
Riêng KCN Nam Cấm cũ có tổng diện tích 327,83ha đã hoàn thành cơ bản hạ tầng Khu B, Khu C. Hiện Nghệ An đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông tại Khu A của KCN này. Còn tại KCN Đông Hồi có tổng diện tích 450,67ha hiện đang triển khai thi công hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1.
Được biết, giai đoạn 2007-2020, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư vào KKT Đông Nam và các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An hơn 2.350 tỷ đồng (trong đó, công tác quy hoạch xây dựng 53,3 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng thiết yếu 2.297 tỷ đồng) so với nhu cầu gần 8.927 tỷ đồng, đạt 26,3%.
Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật, có tổng số 35 dự án được phê duyệt đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư gần 8.861 tỷ đồng, tổng vốn đã bố trí 2.297 tỷ đồng, đáp ứng 26% nhu cầu vốn.
Trong khi dư địa thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đạt thấp, thực trạng một số hạng mục phụ trợ kết nối như nhà ở xã hội, đường giao thông, môi trường…của Nghệ An hiện vẫn đang ở trạng thái “vừa hành quân, vừa xếp hàng”.
Riêng về hạng mục phát triển nhà ở xã hội và các công trình phúc lợi tại các KCN, CCN vẫn chưa được quan tâm đầu tư hiệu quả, kịp thời. Chỉ tính tại các CCN trên địa bàn thì trong quy hoạch chi tiết đều chưa tính đến quy hoạch hạng mục nhà ở xã hội do lao động làm việc tại các CCN mà chủ yếu sử dụng phương án sử dụng người sinh sống tại địa phương.
Còn về hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn Nghệ An vẫn đang trong tình trạng chắp vá, chưa hoàn thiện theo hướng hiện đại. Thực tế hiện nay trong 23 CCN hoạt động trên địa bàn Nghệ An mới chỉ có 10 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung chủ yếu bằng hồ lắng lọc, trong đó 09 CCN đã đầu tư hoàn chỉnh là Nghi Phú, Đông Vĩnh, Tháp-Hồng-Kỷ, Lạc Sơn, Nam Giang, Diễn Hồng, Thị trấn Đô Lương, Hưng Lộc để thu gom và lưu giữ nước thải trước khi thải ra môi trường.
Trong giai đoạn 2007-2020, KKT Đông Nam và các KCN tỉnh Nghệ An đã thu hút được 16 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng vốn đăng ký là 13.518,44 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, vốn thực hiện của các dự án ước đạt 4.973,79 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 37%. |
Cần thêm “đại bàng” về “làm tổ”
Trong 10 năm trở lại đây, công tác thu hút đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt nhà đầu tư FDI vào “lót ổ” kiến thiết hạ tầng kỹ thuật bằng việc xây dựng các KCN, đô thị…với quy mô diện tích “khủng” tại Nghệ An có nhiều khởi sắc. Hiện Nghệ An đã có có 04 dự án được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp là KCN Bắc Vinh, KCN VSIP, KCN WHA Industrial Zone 1 Nghệ An (thuộc KCN Nam Cấm mở rộng) và KCN Hoàng Mai I.
Đơn cử, KCN, đô thị và dịch vụ VSIP (750ha) hiện nay đã đầu tư cơ bản hoàn thành hạ tầng KCN giai đoạn 1 (226ha); Khu đô thị giai đoạn 1A với quy mô diện tích 43ha. Hiện dự án này đang xây dựng 06 tuyến đường giai đoạn 2 KCN (142ha) và san lấp mặt bằng Khu đô thị giai đoạn 1B với quy mô diện tích 43,26ha và giai đoạn 2A.1 với quy mô 18,34ha.
KCN WHA Industrial Zone 1 Nghệ An – giai đoạn 1 với quy mô diện tích 143,5ha đến nay đã cơ bản hoàn thành các trục đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp điện, đèn chiếu sáng, hệ thống viễn thông, khu xử lý nước thải, hồ điều hòa, trạm PCCC.
Bên cạnh những nhà đầu tư được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo các KCN trên địa bàn Nghệ An thì hiện nay, việc thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN ở Nghệ An hiện vẫn chưa xuất hiện.
Nguyên nhân qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các KCN bao gồm: Nghĩa Đàn, Tri Lễ, Sông Dinh, Tân Kỳ, Phủ Quỳ cho đến nay vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào “lót ổ” để hoạt động sản xuất kinh doanh…
Theo ông Nguyễn Văn Nam – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ đạo giao Sở, ngành, địa phương liên quan tập trung cải thiện cơ chế, chính sách phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Ngay như việc hiện nay Nghệ An được xếp vào vị trí thứ 23/63 tỉnh, thành, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo “nóng” như giao cho Sở KH&ĐT, Trung tâm XTĐTTM&DL tỉnh Nghệ An tiếp tục phân tích trong bộ chỉ số thành phần đó, chỉ số thành phần nào tại thời điểm này mà địa phương vẫn đang xếp ở thứ hạng thấp? Phân cấp, phân quyền và phục vụ doanh nghiệp đã tốt chưa để tiếp tục phân tích, mổ xẻ theo chiều sâu…
Tác giả: NGỌC THÁI
Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn