Pháp luật

Những tội danh nào có thể bị xử lý trong vụ nâng giá kit test nhanh?

Ngoài tội danh đã bị khởi tố với mức án tối đa 20 năm tù, luật sư nhận định Phan Quốc Việt cùng đồng phạm còn có thể bị xem xét xử lý thêm về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á), Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương) cùng 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo tài liệu điều tra, tháng 3/2020, sau khi Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia thông qua, Bộ Y tế đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á.

Từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương hợp thức ký kết và thanh toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền hơn 151 tỷ đồng, trong đó giá đầu vào mỗi bộ kit test được nâng khống ở mức 470.000 đồng/kit. Sau đó, ông Tuyến được "lại quả" gần 30 tỷ.

Ngoài ra, Bộ Công an làm rõ công ty này đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và nhiều cơ sở y tế của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Với hành vi này, các bị can sẽ đối diện mức án nào. Ngoài ra, họ còn có thể bị xử lý về tội danh khác không?

Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) nhận định vụ án này đã phơi bày nguyên nhân khiến giá xét nghiệm Covid-19 tăng cao. Đó là do hành vi vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị, vật tư y tế khiến giá đầu vào tăng cao, người xét nghiệm phải trả chi phí lớn.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân khó khăn, hành vi lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời của Việt cùng đồng phạm là đáng lên án. Với tình tiết lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội, các bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Bình luận về quy định đấu thầu, ông Cường cho biết Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ về các trường hợp chỉ định thầu được áp dụng. Theo đó, các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách sẽ tiến hành chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Tuy nhiên, việc chỉ định thầu phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu.

Trường hợp này, các bị can đã có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận, vi phạm quy định về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013. Do đó, việc cơ quan chức năng khởi tố Việt cùng đồng phạm về tội Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở.

Trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền Việt cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước là bao nhiêu. Nếu số tiền thiệt hại trên một tỷ đồng, căn cứ Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt áp dụng sẽ là 10-20 năm tù.

Nếu số tiền thiệt hại dưới một tỷ đồng, mức án tối đa các bị can có thể đối mặt là 12 năm tù.

Cũng theo dõi vụ việc, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội) có chung quan điểm. Ông cho rằng việc lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi là hành vi rất đáng lên án, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và đạo đức hành nghề.

Ngoài tội danh đã bị khởi tố, luật sư cho biết cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi nâng khống giá thiết bị để ký hợp đồng rồi "lại quả" của bị can Việt cùng những người liên quan. Nếu đủ căn cứ, những người liên quan trong vụ việc còn có thể bị xử lý thêm về các tội Đưa hối lộ (Điều 364) và Nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015).

Sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Ảnh: VGP.

Dưới góc độ dân sự, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội nhận định người tiêu dùng và các tổ chức, đơn vị phải mua, sử dụng kit test với giá cao của Công ty Việt Á có thể được coi là bị hại trong vụ việc. Họ có tài sản, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để yêu cầu bồi thường.

"Theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 7, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, cá nhân, tổ chức phải sử dụng bộ kit test có quyền yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, cần có bằng chứng, hóa đơn chứng minh việc mua bán bộ kit với giá tiền trên để làm căn cứ giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho mình", luật sư Tiền phân tích.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP