Thế giới

Những sự cố hài hước nhất trong lịch sử quân sự thế giới

Hai trung đoàn súng máy chịu thua trước lũ chim phá lúa, trận lụt bất ngờ do hạ thủy thiết giáp hạm khổng lồ là những sự cố bi hài trong lịch sử quân sự thế giới.

Đà điểu đánh bại quân đội Australia

Chim đà điểu Australia. Ảnh: SMH


Sau Thế chiến I, chính phủ Australia tìm cách tạo công ăn việc làm cho các cựu binh khi họ trở về quê nhà bằng cách cấp đất cho họ để trồng lúa mì và nuôi cừu, kể cả đất những khu vực ngoại ô thành phố Perth của bang Tây Australia.

Sau đó, vấn đề phát sinh khi hàng chục nghìn chim đà điểu bản địa ở Tây Australia tìm cách quay trở lại nơi chúng sinh sống. Đến năm 1922, đà điểu Australia (emu) vẫn là loài chim bản địa được bảo vệ, nhưng khi chúng giẫm nát lúa mì và ăn đến tận gốc, chúng chính thức bị coi là loài động vật gây hại.

Cuối năm 1932, các nông dân cựu binh đã phải đầu hàng trước 20.000 con chim đà điểu tàn phá mùa màng, và quyết định cầu cứu chính phủ điều quân đội đến.

Thiếu tá G.P.W. Meredith thuộc lực lượng pháo binh hoàng gia đã chỉ huy hai trung đoàn súng máy đến thành phố Perth để tiêu diệt đàn chim đà điểu khổng lồ này. Meredith và ban tham mưu dự tính với hỏa lực hùng hậu trong tay, vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa trong vài ngày, nhưng ông đã nhầm.

Những con chim đà điểu xảo quyệt hơn họ nghĩ. Chúng né tránh đạn súng máy một cách tài tình, chạy len lỏi qua các binh sĩ và phân tán vào bụi cây rồi sau đó tập hợp lại với đàn. Rất nhiều chú chim bị trúng đạn vẫn chạy thoát, nhờ lớp lông dày và ý chí kiên cường, quyết không chịu khuất phục trước quân đội Australia.

"Nếu chúng ta có một lực lượng quân sự gồm những con chim đà điểu có thể mang theo vũ khí, chúng ta có thể đối đầu với bất cứ đội quân nào trên thế giới, bởi chúng có thể đối phó với những khẩu súng máy với sức chịu đựng ngang xe tăng", báo Sun Herald ngày 5/7/1953 viết.

Lũ chim emu đã chứng tỏ chúng không ngu ngốc như những người lính Australia vẫn tưởng. Mỗi đàn đều có con đầu đàn riêng, thường là một con chim màu đen cao tới 1,8 m, có nhiệm vụ cảnh giới khi các con khác ăn lúa. Khi phát hiện dấu hiệu lạ, con này sẽ báo hiệu cho cả đàn chạy vào bụi rậm và nó luôn là con cuối cùng di chuyển khi các con khác đã ở nơi an toàn.

Meredith quyết định thực hiện một cuộc tập kích bất ngờ vào nơi tụ tập của 1.000 con chim đà điểu ở gần một đập nước nhưng vẫn thất bại. Lòng tự trọng bị tổn thương, Meredith quyết định rằng cách duy nhất tiêu diệt lũ chim quỷ quyệt này là tự mình ra tay. Ông trèo lên sau một chiếc xe tải và điều khiển súng máy, ngắm bắn lũ chim khi xe tăng tốc đuổi theo chúng.

Những con chim đà điểu vượt qua xe tải và chạy đến nơi có địa hình gồ ghề, khiến chiếc xe mất thăng bằng đâm vào hàng rào. Do mất dấu vết lũ chim khi màn đêm buông xuống, quân đội Australia không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận thất bại.

"Ngày 8/11, quân đội dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Meredith đã bắn 2.500 viên đạn, tương đương 25% cơ số đạn trong biên chế, để tiêu diệt 200 con chim đà điểu", tiến sĩ Murray Johnson viết trên tạp chí nghiên cứu Australia.

Cuối cùng, chưa đến 1000 trong số 20.000 chim đà điểu bị tiêu diệt. Chính phủ Australia sau đó quyết định trang bị trực tiếp súng đạn cho nông dân tiêu diệt 57.034 chim đà điểu trong vòng 6 tháng trong năm 1934, khôi phục lại hòa bình kể từ đó.

Thiết giáp hạm Nhật làm lụt nhà dân

Sĩ quan Nhật chụp ảnh trên thiết giáp hạm khổng lồ Musashi. Ảnh: Wikimedia Commons


Năm 1940, để phô trương sức mạnh quân sự, Nhật Bản đóng thiết giáp hạm lớn nhất mang tên Musashi và trang bị cho tàu những vũ khí tối tân gồm các khẩu đại pháo bắn đạn 45,72 cm tầm bắn trên 41 km.

Tuy nhiên, hải quân đế quốc Nhật Bản đã không tính tới trọng tải của những vũ khí này khi hân hoan hạ thủy thiết giáp hạm Musashi tại một con sông ở tỉnh Nagasaki. Lượng choán nước khổng lồ 63.000 tấn của nó đã tạo ra một cơn sóng dâng cao 1,2 m, gây ngập lụt nhà dân ven sông và không khí hân hoan lúc trước hoàn toàn tắt ngúm.

Những đợt sóng lớn do thiết giáp hạm Musashi tạo ra khi hạ thủy khiến hầu hết các tàu ở cảng lân cận bị lật úp, gây hư hại các cửa hàng và nhà dân gần đó. Người dân hốt hoảng bỏ chạy ra đường khi nước tràn vào nhà mà không hề biết nguyên nhân gây ra trận lũ là gì.

Ngay sau đó, hải quân đế quốc Nhật Bản hối thúc người dân nhanh chóng quay về nhà nhưng không thể nói rõ nguyên nhân vì quá xấu hổ.

Phi công nhảy dù, tiêm kích tự hạ cánh

Chiếc tiêm kích đánh chặn F-106 tự hạ cánh trên đồng tuyết sau khi phi công nhảy dù. Ảnh: USAF


Trong một chuyến bay thử nghiệm năm 1970, chiếc tiêm kích đánh chặn F-106 do trung úy phi công Mỹ Gary Foust điều khiển bị mất kiểm soát và bay lòng vòng. Sau khi cố gắng tìm cách điều khiển chiến đấu cơ này trong chốc lát nhưng bất thành, anh ta quyết định nhấn nút ghế phóng ở độ cao 2,4 km.

Sau khi bung dù trên không trung, Foust nhìn xuống đất và tin rằng chiếc máy bay sẽ nổ tung khi va chạm với mặt đất. Thế nhưng chiếc chiến đấu cơ vẫn bay thẳng về phía trước như thể có phi công đang điều khiển và không có trục trặc nào xảy ra.

Thiếu tá Jim Lowe, một sĩ quan cùng phi đội với Foust, liên lạc qua radio yêu cầu anh ta quay trở lại, nhưng Foust không thể. Những gì trung úy này có thể làm là ngỡ ngàng quan sát chiếc máy bay tự bay thẳng về phía trước rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống một cánh đồng phủ đầy tuyết trắng.

Khi cảnh sát đến hiện trường, động cơ của chiếc F-106 vẫn đang chạy. Không quân Mỹ tỏ ra thận trọng khi yêu cầu cảnh sát đợi đến khi chiếc máy bay hết nhiên liệu thay vì tìm cách tắt động cơ. Sau khi chết máy, chiếc máy bay được không quân Mỹ đưa về, sửa chữa và tái biên chế vào phi đội.

Tác giả bài viết: Duy Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP