Kinh tế

Nhu cầu cao, Đào núi ngày càng khan hiếm

Thân già, cành mốc, nụ to, hoa tươi, đó là tiêu chí cơ bản của những người mua đào núi về chơi Tết. Vì vậy, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, rất nhiều người từ miền xuôi đã tìm về vùng rẻo cao Kỳ Sơn để chọn cho mình cành đào vừa ý. Nhu cầu ngày càng nhiều đang làm các loại đào núi ngày một khan hiếm.

Mấy năm gần đây, thời tiết khá khắc nghiệt, nhất là đối với Miền Tây Nghệ An, nên số đào được bà con người Mông trồng trên các đỉnh núi bị chết rất nhiều. Ngoài ra, do sở thích chơi đào đá, số người săn, tìm mua loại hoa này ngày một tăng, nên dẫn đến khan hiếm nguồn hàng khi vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo chia sẻ của anh Lực Khăm Khương ở Bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn: “Đào được mua ở Na Khỏn, có khi mua ở Mường Khăm, Lào. Đường xá xa xôi, nhưng về đây bán rất vất vả.”

Đào đá bán tại miền núi không được giá nhưng ngày càng khan hiếm.
Dọc trên Quốc lộ 7 đoạn qua thị trấn Mường Xén rất đông người dân bày bán những cành đào đá, đào Lào. So với năm trước, đào đá năm nay ít nụ, hoa kém sắc, nên giá bán không cao. Ngoài ra, do việc săn tìm ở tận vùng giáp biên của các xã như: Mường Típ, Na Loi, Đọoc Mạy, Keng Đu, thậm chí là tận Lào, nên việc vận chuyển mất khá nhiều thời gian. Cành gãy, nụ hoa bong tróc nên thu nhập của người buôn đào đã bị sụt giảm.

Anh Lê Văn Việt ở Xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu chia sẻ:“Giá cả loại đào đá, đào Lào rất rẻ, 2 cành chỉ có giá 500.000 đồng. Đào đẹp, nhưng lại rẻ hơn dưới xuôi”; “Loại đào này hầu như được người dưới xuôi lên mua rất nhiều. Giá cả hợp lý, không đắt” - Anh Lê Minh Hương ở Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm.

Có thể nói, những năm gần đây sở thích chơi đào đá, đào Lào như một thú vui của không ít người dân. Vì vậy, nhiều người đã cất công, gác việc để tìm cho mình những cành, gốc đào có dáng độc, thế lạ, vỏ cây xù xì, thân rêu mốc… Nhưng đây lại là nguyên nhân chính dẫn đến việc đào núi có nguy cơ bị hủy diệt vì thú chơi này.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nam

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP