Môi khô, nứt nẻ
Bạn có thể bị thiếu nước. Thay vì bôi thêm một lớp son dưỡng môi, bạn hãy uống một ly nước lớn. Nếu môi vẫn khô sau khi uống nước, bạn nên thử tẩy tế bào chết và dưỡng ẩm.
Bên cạnh đó, đừng liếm môi bởi nước bọt làm môi khô hơn.
Nứt ở mép
Bạn có thể bị nhiễm nấm, nhất là trong trường hợp đeo niềng răng khiến nước bọt chảy ra khi ngủ và vi khuẩn tích tụ quanh miệng. Đây là vấn đề rất dễ giải quyết. Hãy gặp bác sĩ để được kê đơn thuốc chống nấm.
Môi đổi màu
Môi đổi màu sáng hơn hoặc đậm hơn bình thường do nhiều nguyên nhân từ nhẹ (ăn kẹo có màu) đến nghiêm trọng (bệnh gan) gây ra. Hãy đi khám nếu môi bị đổi màu trong thời gian dài hoặc đi kèm các triệu chứng khác.
Người hút thuốc cũng dễ bị đổi màu môi.
Môi sưng
Đây là biểu hiện môi bị va đập hoặc dị ứng. Nếu bạn thấy môi và lưỡi sưng, bỏng rát; da phát ban hoặc ngứa cổ họng, hãy đến bệnh viện ngay. Cơ thể đang phản ứng lại thứ bạn vừa ăn hoặc tiếp xúc.
Môi nhợt nhạt
Môi tái màu, nhợt nhạt có thể do ít tiếp xúc với ánh nắng. Bạn hãy chăm đi bộ ngoài trời hơn và nhớ thoa kem chống nắng.
Trong trường hợp các vùng cơ thể khác cũng bị tái xanh, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra nguy cơ thiếu máu hoặc ung thư.
Môi đau
Môi bạn nhạy cảm khi bị chạm vào và viền ngoài có màu hồng? Đây là biểu hiện cho thấy bạn bị dị ứng với kem đánh răng hoặc son môi. Hãy theo dõi triệu chứng và ngừng sử dụng sản phẩm bạn nghi ngờ gây ra dị ứng.
Lở miệng
Lở miệng do virus herpes gây ra. May mắn, đây không phải vấn đề nghiêm trọng. Thông thường, người bệnh sẽ có cảm giác kiến bò trên mặt trước khi vết lở xuất hiện, sử dụng ngay thuốc đặc trị sẽ ngăn chặn được vấn đề. Ngoài ra, không phơi nắng quá nhiều và luôn luôn thoa kem chống nắng.
Tác giả bài viết: Minh Nhật