Giống như nhiều phụ kiện khác trên thị trường, kính cường lực cũng có nhiều loại với đủ giá thành và chất lượng. Rất nhiều người sau khi dán kính cường lực đã phải tháo bỏ vì cảm ứng không nhạy, viền không sát gây cảm giác khó chịu khi sử dụng.
Nhược điểm của loại kính cường lực keo khô là dán không hết màn hình, kén máy (có máy dán được nhưng có máy bị bong cạnh), do đó rất ít người sử dụng loại này. Thay vào đó, đa số người dùng đều chọn dán kính cường lực với keo nước và đèn UV, tuy nhiên trên thị trường có nhiều loại kính và keo khác nhau, nếu chẳng may sử dụng nhầm đồ dỏm, khi lột ra màn hình sẽ bị bể kính, trầy xước... Ngược lại, nếu sử dụng kính cường lực chính hãng (có thương hiệu), việc gỡ ra khi không thích sử dụng tương đối dễ dàng và không ảnh hưởng đến máy.
Về cơ bản, việc dán kính cường lực bằng keo nước không làm giảm khả năng cảm ứng, bám dính tốt nhưng rủi ro khá cao (keo lọt vào loa thoại, dính vào các nút bấm khiến mọi thứ khó thao tác, vệ sinh...). Nếu chẳng may keo nước dính vào cụm loa thoại và màn hình, nhiều khả năng thiết bị sẽ không được bảo hành.
Dán keo UV đang là trào lưu
Miếng dán dùng keo UV thực chất là một tấm kính được sản xuất dành riêng cho các dòng smartphone cụ thể. Để kết nối trong hộp sản phẩm sẽ có một chai dung dịch - thường được gọi là keo dán với đặc điểm sau khi phủ đầy keo, người thợ sẽ đưa sản phẩm này vào một đèn tia cực tím (UV) chiếu vào trong khoảng từ 3 - 5 phút để làm khô keo.
Bài đăng cảnh báo về tình trạng cháy cáp màn hình Samsung do dùng keo UV. |
Hiện các dòng smartphone phổ biến đến từ Apple, Samsung, OPPO đều có những mẫu kính cường lực dán keo UV với giá dao động từ 350.000 - 450.000 đồng. Một số đại lý lớn còn đảm bảo bảo hành 1 tháng "1 đổi 1" nếu phát sinh lỗi.
Nguy cơ cao cháy cáp màn hình Samsung
Anh Quốc Huy - thợ sửa điện thoại ở một cửa hàng tại quận 10 (TP.HCM) cho biết, trường hợp này xảy ra thường xuyên, đặc biệt cửa hàng của anh nhận rất nhiều máy Samsung bị lỗi này. Anh cho hay: “Loại keo UV đưa vào màn hình có tính năng dẫn điện, kỹ thuật dán keo khi đổ quá tay hoặc không chú ý làm nước keo thấm xuống phần cáp kết nối màn hình và gây chập cháy. Lỗi này bên cửa hàng tôi nhận được rất nhiều và có trường hợp sửa chữa xong, khách lại đi dán keo UV lần nữa và lại đem máy đến sửa đúng y lỗi cháy cáp”.
Anh cho biết, trường hợp sửa này nhiều đến mức đã có chủ cửa hàng bắt khách cam kết tự chịu trách nhiệm khi hỏng hóc xảy ra do dán màn hình bằng keo UV.
Vẫn còn thấy rõ dấu tích keo UV thấm xuống phần cáp màn hình. |
Điểm gây chú ý là chỉ những dòng smartphone Samsung là gặp lỗi này với keo UV. Anh Huy nói, hiện các dòng Note 8, 9, 10, 20, Galaxy S8, S9, S20, S21 đều đã bị hiện tượng này.
Anh Huy nhận định việc này đến từ thiết kế màn hình của Samsung. Với smartphone trước đây, các hãng sản xuất sẽ làm một viền mỏng, sườn có phần nhô lên để dán keo lên viền. Nhưng máy Samsung đã làm viền mỏng đến mức không có chỗ dán keo viền, thay vào đó keo sẽ dán sau lưng màn hình.
Và khu vực cáp màn hình cũng chỉ có 1 lớp keo viền cực mỏng, qua thời gian dài sử dụng, lớp keo dán bị thoái hóa và không ngăn được keo UV chảy vào gây chập mạch. “Với máy Samsung, việc thay cáp không quá phức tạp. Tuy vậy tốt hơn hết là chủ sở hữu chỉ nên dùng các loại miếng dán màn hình thông thường”, anh Huy cho biết.
Tác giả: Ngọc Mai (t/h)
Nguồn tin: vietQ.vn