Pháp luật

Nhiều ngân hàng mất tiền tỷ vì nữ giáo viên lừa đảo

Hường là giáo viên tiểu học ở Hà Nội. Do làm ăn thua lỗ nên Hường đã bàn bạc, câu kết với Như và nhiều đối tượng khác làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt của ba ngân hàng nhiều tỷ đồng.

Ngày 14/9, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Như (SN 1974, trú tại phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) và bị cáo Phạm Thị Hường (SN 1971, trú tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Kết thúc phiên toà, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Như 18 năm tù và bị cáo Hường 16 năm tù. Tổng hợp với bản án trước đó đang phải chấp hành, bị cáo Như phải thi hành hình phạt chung là 24 năm 6 tháng tù; bị cáo Hường phải thi hành hình phạt chung là 18 năm 2 tháng tù.

Liên quan đến vụ án này, 12 bị cáo khác là những người đứng tên trên hồ sơ vay tiền ngân hàng cũng bị truy tố về hai tội danh trên. Tuỳ theo mức độ phạm tội, 12 bị cáo này bị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 2 năm tù đến 6 năm tù.

Hai bị cáo cựu nhân viên ngân hàng là Nguyễn Thị Huế (SN 1993, chuyên viên quan hệ khách hàng Chi nhánh Thanh Xuân, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Seabank) và Lưu Vĩnh Long (SN 1984, Giám đốc Khách hàng cá nhân Seabank) cùng phải nhận mức án 36 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Hai bị cáo Hường và Như (hàng trên) và đồng phạm tại phiên toà.

Theo bản án sơ thẩm, Như và Hường biết nhau từ năm 2017. Do làm ăn thua lỗ, nợ nần nhiều, cả hai bàn nhau làm giả gấy tờ, tài liệu, hồ sơ giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì để vay trả góp bằng lương tại một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội.

Tháng 5/2017, Như và Hường lên hệ với nhân viên ngân hàng và giới thiệu là giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì để vay tiền trả góp bằng lương. Sau đó, Như làm giả hồ sơ gồm: Chứng minh nhân dân, hợp đồng lao động, đơn xác nhận và giấy xác nhận lương của Trường Tiểu học Mễ Trì.

Do nhân viên ngân hàng không phát hiện hồ sơ giả nên đã làm thủ tục để ngân hàng giải ngân số tiền 70 triệu đồng.

Cũng với thủ đoạn trên, từ tháng 8/2017 đến tháng 2/2018, Như đã nhờ 18 người đứng tên hồ sơ vay để vay tiền ngân hàng và trả góp bằng lương. Khi nhờ, Như nói với những người đứng tên hộ rằng, cần tiền để kinh doanh và sẽ chịu trách nhiệm làm hồ sơ, trả tiền cho ngân hàng.

Tiếp đó, Như thuê người làm giả hồ sơ vay, hướng dẫn họ cách trả lời khi nhân viên ngân hàng thẩm định hồ sơ và đưa họ đến ngân hàng làm thủ tục vay tiền. Điều đáng nói là trong số những người đứng tên vay tiền hộ Như, phần lớn đều có hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả xác minh tại Trường Tiểu học Mễ Trì xác định, 24 khách hàng đứng tên trên hồ sơ vay vốn ngân hàng không phải là giáo viên nhà trường. Tại cơ quan điều tra, Như khai nhận, trả công cho những người mà Như nhờ đứng tên hồ sơ vay vốn từ 3 - 7 triệu đồng một người.

Cơ quan điều tra xác định, Như phải chịu trách nhiệm về 102 tài liệu giả làm 24 hồ sơ vay vốn ba ngân hàng hơn 1,8 tỷ đồng. Cũng với thủ đoạn trên, bị cáo Hường đã làm giả 38 tài liệu để làm 10 hồ sơ vay ba ngân hàng số tiền 840 triệu đồng.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP