Trong tỉnh

Nhiều huyện ở Nghệ An khó hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công

Tính đến ngày 22/12, các dự án đầu tư công ở Nghệ An do các huyện trực tiếp quản lý đã giải ngân hơn 1.230,9 tỷ đồng/1.495,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,32%. Trong đó, có 11 huyện giải ngân trên 85%, 7 huyện giải ngân từ 70% đến 85% và 3 huyện giải ngân dưới 70%.

Máy móc đang thi công trên tuyến đường ven biển tại Nghệ An. Ảnh: Văn Dũng

Báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại phiên họp UBND tỉnh Nghệ An thường kỳ tháng 12/2021, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2021 được giao là 6.509,945 tỷ đồng. Tính đến ngày 22/12, đã giải ngân 4.396,49 tỷ đồng, đạt 72,97% kế hoạch giao chi tiết đầu năm. Dự kiến hết năm 2021, tổng tất cả các nguồn vốn giải ngân ước đạt 93,57% tổng kế hoạch được giao.

Các dự án huyện trực tiếp quản lý đã giải ngân 1.230,959 tỷ đồng/kế hoạch 1.495,275 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 82,32%. Trong đó, 11 huyện giải ngân trên 85% là Nghĩa Đàn (97,26%), Thanh Chương (95,33%), Tương Dương (93,87%), Quế Phong (93,72%), Kỳ Sơn (92,85%), Tân Kỳ (91,29%), Con Cuông (90,37%), thị xã Cửa lò (89,77%), thành phố Vinh (89,69%), Nam Đàn (87,78%), Diễn Châu (86,54%).

Những huyện giải ngân từ 70% đến 85% là Anh Sơn (83,52%), Thái Hoà (82,52%), Quỳ Châu (76,63%), Quỳnh Lưu (76,51%), Nghi Lộc (76,44%), Yên Thành (74,42%), Hưng Nguyên (71,24%). Còn lại 3 huyện giải ngân dưới 70% là Quỳ Hợp (69,84%), Đô Lương (65,07%), Hoàng Mai (56,12%).

Các dự án ngành quản lý (chủ đầu tư) đã giải ngân hơn 1.073,9 tỷ đồng/kế hoạch 2.151,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,91%.

Tổng cộng nguồn đầu tư công tập trung năm 2021 được bố trí cho 206 dự án, tính đến 22/12, còn 70 dự án giải ngân dưới 85% trong đó có 67 dự án giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 72,9%). Hầu hết các chủ đầu tư cam kết đến ngày 31/1/2022 sẽ giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều huyện, thành, thị phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.

Hầu hết các công trình phải tạm dừng thi công tại các địa phương phải thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian giãn cách cũng là thời điểm thời tiết thuận lợi nhất trong năm để thi công công trình (thời tiết nắng ráo, chưa vào mùa mưa), do đó cũng mất cơ hội đẩy nhanh khối lượng thực hiện để giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, giá cả vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi… tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho rằng, năm 2021 là năm đặc thù, kế hoạch giao chủ yếu cho các công trình chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2020 chuyển sang, các dự án này hầu hết hoặc là đã cơ bản hoàn thành đang làm thủ tục quyết toán, hoặc là đang vướng mắc giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong thi công phải điều chỉnh dự án, thiết kế dự toán… Vì vậy, việc triển khai mất nhiều thời gian hơn, các dự án khởi công mới chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn đầu năm, phải chờ sau khi được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới có cơ sở triển khai thực hiện (tháng 9 mới được giao vốn) nên tiến độ triển khai chậm hơn.

Để hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 ở mức cao nhất, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đề nghị Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Đối với các dự án không vướng mắc hồ sơ thủ tục, chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị thi công ngày đêm để nghiệm thu khối lượng hoàn thành, kịp giải ngân vốn trước ngày 31/1/2022. Đối với các dự án đang làm thủ tục giải phóng mặt bằng, đang đấu thầu hoặc đang nghiệm thu khối lượng... cần tập trung cán bộ có năng lực chuyên môn để xử lý hồ sơ nhanh nhất, đảm bảo hoàn tất thủ tục để giải ngân tối đa kế hoạch vốn bố trí.

Tác giả: Văn Dũng

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP