Giáo dục

Nhiều đại học giảm xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, tăng xét học bạ

Một số trường đại học công bố giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; trong khi đó nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, thậm chí tăng đến 70%.

Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT

Năm 2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) giảm chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp, tăng cường triển khai các phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực.

Trường tăng tỷ lệ xét tuyển theo phương thức điểm thi đánh giá năng lực lên 45%, mở rộng quy mô và địa điểm thi đánh giá năng lực.

Thông báo của Trường Đại học Thương mại cho biết, năm nay trường sử dụng 8 phương thức xét tuyển trong đó 7 phương thức cũ năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một số trường đại học công bố giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Đức Ngọc).

Trường sẽ tăng chỉ tiêu bằng các phương thức xét tuyển kết hợp và có thể giảm khoảng 10% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, Trường Đại học Phenikaa tuyển sinh 7.668 chỉ tiêu theo 3 phương thức.

Trong đó, nhà trường dành khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Phương thức xét tuyển dựa vào học bạ bậc THPT chiếm 30 - 40% tổng chỉ tiêu.

Trường Đại học Giao thông vận tải vừa cho hay, năm 2023, nhà trường xét tuyển theo 4 phương thức.

Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.

Phương thức 2: Ở cả hai cơ sở, sử dụng kết quả học tập THPT (học bạ) để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh.

Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu TPHCM.

Phương thức 4: Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm hai môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15.00 điểm trở lên.

Ưu tiên sử dụng phương thức xét học bạ

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM dành tới 70% tổng chỉ tiêu (tương đương 4.627 thí sinh) xét tuyển học bạ, trong đó 30% xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, 40% xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.

Trường Đại học Nha Trang xét tuyển theo 4 phương thức và tuyển 3.600 chỉ tiêu. Trong đó, trường dành 40% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm trung bình học bạ 6 học kỳ và 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Nếu năm 2019, Đại học Huế chỉ sử dụng phương thức xét học bạ cho một số ngành, trường chứ không xét đại trà thì đến năm 2020, chỉ tiêu xét học bạ THPT được đại học Huế áp dụng cho hầu hết các ngành (trừ khối y dược và một số ngành kinh tế).

Năm ngoái, chỉ tiêu xét học bạ các ngành của Đại học Huế dao động từ 30 đến 60% chỉ tiêu ngành.

Nhiều trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, thậm chí tăng đến 70% (Ảnh: Mạnh Quân).

Năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến tuyển sinh 8.000 chỉ tiêu đầu vào năm nay bằng 4 phương thức.

Trong đó, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM lên 20-30%; xét tuyển bằng học bạ THPT 30 - 35%, kèm theo xét tuyển học lực của thí sinh; giảm chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí khi phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ đang gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Một số trường đại học không dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này, trong khi một số trường khác lại ưu tiên xét học bạ?

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT cho rằng, mỗi trường có chiến lược riêng của mình.

Có thể một số trường muốn thắt chặt đầu vào và nới lỏng đầu ra nhưng một số trường lại có quan điểm đầu vào chỉ là một phần bởi thi cử bao giờ cũng có yếu tố rủi ro, quan trọng là cả quá trình học tập của thí sinh đó.

Do vậy, các trường sẽ đưa ra mức chỉ tiêu khác nhau cho các phương thức tuyển sinh.

Theo chuyên gia này, tất nhiên không có phương thức tuyển sinh nào là tuyệt đối, mỗi phương thức có những điểm yếu, điểm mạnh khác nhau.

Riêng phương thức xét tuyển học bạ, ông Lê Trường Tùng cho rằng có một số điểm không công bằng bởi mỗi trường đánh giá khác nhau.

Nhiều trường xét học bạ học sinh trong top 200, 300 trường phổ thông có điểm thi tốt nghiệp cao nhất.

Điều này cũng không công bằng, bởi có những thí sinh giỏi nhưng lại không học ở các trường nói trên.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS. Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, mỗi trường có một tiêu chí tuyển sinh khác nhau.

Với các chỉ tiêu mà trường này đã đưa ra, trong quá trình triển khai, nhà trường sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với tình hình thực tế (nếu xét tuyển theo phương thức này không đủ chỉ tiêu, chỉ tiêu còn lại được chuyển sang xét tuyển theo các phương thức khác).

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP