Ngày 3/3, đoàn khảo sát của nhà đầu tư Nhật Bản đã về huyện Thanh Chương để tiến hành khảo sát địa điểm thuộc xã Thanh Thủy, nơi họ dự kiến sẽ phát triển nhà máy điện sinh khối.
Điện sinh khối đang ngày càng phát triển vì tính hiệu quả cao, bảo vệ môi trường và nhiều ưu điểm khác. Đây là nguồn năng lượng tái tạo có trữ lượng lớn nên đã nhận được sự đầu tư phát triển của nhiều quốc gia. Sinh khối là thuật ngữ sử dụng phổ biến để chỉ các nguồn gốc sinh học, như cây công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp có thể được sử dụng làm năng lượng.
Để lựa chọn Thanh Chương là một trong những điểm hướng tới phát triển điện sinh khối, các chuyên gia Nhật Bản đã có những đánh giá tích cực, đủ điều kiện để đặt nhà máy sản xuất điện sinh khối trong tương lai gần.
Trao đổi với PV, Chủ tịch huyện Thanh Chương Trịnh Văn Nhã cho biết: "Hiện tại đoàn chuyên gia điện sinh khối của Nhật Bản đang khảo sát nhiều tỉnh khác nhau của Việt Nam. Tại Nghệ An có 2 huyện được khảo sát là Thanh Chương và Anh Sơn. Trong đó Thanh Chương có hai điểm thuộc địa bàn xã Thanh Thủy và Thanh Đức. Làm việc với đoàn chuyên gia, họ cho rằng nếu lựa chọn Nghệ An đặt nhà máy thì sẽ ưu tiên huyện Thanh Chương đầu tiên bởi những lợi thế về vị trí, cũng như nguồn nguyên liệu, tài nguyên sẵn có”.
Đoàn chuyên gia điện sinh khối của Nhật Bản khảo sát tại xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương |
Theo ông Trịnh Văn Nhã, huyện Thanh Chương có lợi thế về giao thông đi lại thuận lợi, địa điểm được giới thiệu cho đoàn chuyên gia Nhật Bản nằm trong cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch thuộc xã Thanh Thủy.
Bên cạnh đó, vận hành nhà máy điện sinh khối rất cần nguồn nước lớn và địa điểm chọn có khe chảy thẳng ra sông Rộ. Một lợi thế nữa đó là nguồn điện sản xuất ra có thể đấu nối hòa vào đường điện 110 KV cách nhà máy không xa, khoảng 10 km.
Một trong những yếu tố để phát triển nhà máy điện sinh khối là rất cần năng lượng than. Huyện Thanh Chương hiện đã có một nhà máy than viên nén. Sắp tới dự tính xây dựng thêm một nhà máy nữa, có thể cung cấp đủ cho công tác sản xuất điện sinh khối của nhà máy.
Tất nhiên là không thể không nói tới nguyên liệu nguồn gốc sinh học cây công nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp mà điều kiện tự nhiên của huyện Thanh Chương hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu.
“Thanh Chương hiện tại có 22.000 ha cây keo rừng trồng, đây là một lợi thế quan trọng để đáp ứng đầu vào cho nhà máy điện sinh khối nếu được xây dựng ở cụm công nghiệp Thanh Thủy trong tương lai", Chủ tịch huyện Thanh Chương Trịnh Văn Nhã nói thêm.
Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng phân bố ánh sáng mặt trời hàng năm nhiều nhất thế giới, nên được đánh giá là có tiềm năng lớn phát triển năng lượng tái tạo bởi nguồn nguyên liệu sinh khối dồi dào. Ước tính mỗi năm có hơn 160 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được giới chuyên môn đánh giá là quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng sinh khối như chất thải nông nghiệp, nước thải đô thị được phân bố rộng khắp cả nước. Đặc biệt, một số dạng sinh khối có thể tạo ra nhiệt, điện. Trung bình, cứ 5 kg trấu có thể tạo ra 1 KW điện.
Nghệ An là tỉnh có điều kiện tự nhiên rừng phong phú, là nguyên liệu quan trọng cho khai thác và phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có điện sinh khối. Sở hữu nhà máy điện sinh khối sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế và năng lượng tái tạo sẽ giúp cho cuộc sống người dân trở nên tốt đẹp hơn.
Tác giả: Phan Huy
Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn