Ban Thi đua - Khen thưởng Hà Tĩnh đang lấy ý kiến nhân dân về việc khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Đình Sơn (62 tuổi, quê ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh); nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh. Thông tin lấy ý kiến nhân dân được đăng tải công khai trên báo Hà Tĩnh. Sự kiện này đã làm dư luận Hà Tĩnh "dậy sóng".
Ông Lê Đình Sơn (đứng đầu tiên) tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 17. |
Sau khi bài viết “Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh được đề nghị tặng Huân chương Độc lập, liệu có xứng đáng?” của báo Đại Đoàn Kết đăng tải, dư luận Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Trong đó có nhiều ý kiến không đồng ý với việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Đình Sơn.
Bình luận trên các trang, mạng xã hội, người dân thẳng thắn bày bỏ ý kiến phản đối.
“Không xứng đáng”, tài khoản Trần Văn Hoan khẳng định; “đang hạ thấp danh giá của huân chương, vơ công người khác là thiếu nhân cách”, Facebook Xuân Nguyễn lên tiếng; “công thì muốn nhận mà tội không chịu, đó là tính vị kỷ của một cơ số người”, Facebook Lâm Thạch Tân viết.
Một số ý kiến của người dân trên mạng xã hội Facebook. |
Còn tài khoản Facebook Phan Văn Hòa cho rằng: “Một năm mà làm 4 sáng kiến, công nhận là quá giỏi. Hay quá tham”; “bài báo rất chính xác…”, nội dung của Facebook có tên Tran Long bình luận…
Từ những ý kiến bình luận của người dân trên mạng xã hội cho thấy, cán bộ có công hay có tội, nhân dân biết cả. Có những cán bộ, lãnh đạo biết sai, biết vi phạm pháp luật nhưng vì lợi ích của nhân dân, họ sẵn sàng làm sai để người dân của mình hưởng lợi.
Họ sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân, cố gắng đưa lợi ích về cho dân của mình. Dẫu bị kỷ luật, bị đưa ra luận công - tội nhưng họ sẵn sàng chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Cán bộ, lãnh đạo nào làm được như thế dân đều biết, thấu hiểu và cảm thông, bởi như cha ông ta đã nói: “Ngọc càng mài càng sáng”.
Ngược lại, cán bộ mà đặc biệt là cán bộ làm lãnh đạo xem trọng lợi ích bản thân hơn lợi ích nhân dân, suy thoái đạo đức, lối sống không lành mạnh…tất cả cũng không qua được tai mắt của dân.
Từ vụ việc lần này, cơ quan chức năng cần cân nhắc, xem xét nên chăng thay đổi quy trình, thủ tục và kênh tiếp nhận thông tin khi “trưng cầu dân ý”, thực hiện công tác thi đua, khen thưởng để tìm ra những người thực sự xứng đáng với danh hiệu do Đảng, Nhà nước trao tặng.
Trụ sở Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh (số 86, Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh). |
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này, ông Phạm Hữu Thi (65 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh, nguyên Chính ủy Trung tâm huấn luyện, Học viện Hải quân) cho hay: Bản thân ông là một đại biểu HĐND, Bí thư chi bộ khối phố, cán bộ hưu trí nhưng không tiếp cận được thông tin “trưng cầu dân ý” của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh.
“Sau khi mạng xã hội đưa lên tôi mới biết cơ quan chức năng lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Đình Sơn. Thấy bảo thông báo đăng trên báo, đài tỉnh nhưng mấy ai xem được. Mà tôi cũng không biết tiêu chí được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba gồm có những tiêu chí, điều kiện nào. Không chỉ lần này mà từ trước đến nay đều như thế, họ lấy ý kiến trong im lặng rồi tặng thưởng cũng trong im lặng” - ông Phạm Hữu Thi nói.
Ngoài ra, ông Phạm Hữu Thi cũng cho biết, thời gian gần đây, dư luận tại Hà Tĩnh có nhiều thông tin không hay về phẩm chất, đạo đức, lối sống của ông Lê Đình Sơn.
“Việc ông Lê Đình Sơn khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã là xóa nợ chậm nộp thuế cho dự án khu đô thị HUD cần phải xem xét xử lý đúng quy định. Còn những thông tin không hay về đạo đức, lối sống của ông ấy sau khi về hưu trên mạng cần được giám sát chặt chẽ hơn”, ông Thi nêu ý kiến.
Văn bản ông Lê Đình Sơn ký "miễn tiền nộp chậm tiền sử dụng đất tại Khu đô thị Bắc thành phố Hà Tĩnh". |
Nói về việc lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức gửi thư trực tiếp đến Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh (số 86 Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh), ông Nguyễn Trọng Bàn (72 tuổi, trú phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi chưa khi nào làm việc này, có đồng ý hay không đồng ý cho ai được nhận các danh hiệu cũng không biết cách làm, nói chung tôi thấy rất bất tiện”.
Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Hùng, quy trình lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị tặng thưởng huân, huy chương được đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
“Đến thời điểm này (sáng 28/2/2022), sau 10 ngày ra thông báo trên Báo Hà Tĩnh và Đài PT-TH Hà Tĩnh đơn vị chưa nhận được ý kiến nào của người dân trực tiếp gửi về trụ sở của ban đối với 3 cá nhân được đề nghị tặng, truy tặng huân, huy chương đợt này”, ông Hùng thông tin.
Trước ý kiến của người dân về việc cần mở rộng kênh tiếp nhận thông tin, thực hiện “trưng cầu dân ý” về tặng thưởng huân, huy chương cho các cá nhân, tổ chức, ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến của người dân và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
“Báo Đại Đoàn Kết là một kênh thông tin chính thống. Ban đã tiếp nhận phản ánh của báo về trường hợp đồng chí Lê Đình Sơn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Tiếp theo đây, ban sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan để xác minh nội dung báo phản ánh và trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh trước khi có quyết định cuối cùng”, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Báo Đại Đoàn Kết tiếp tục phản ánh vấn đề này.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết