Trong nước

Nhà máy rác của “thiếu gia” Tô Công Lý từng "xin" bàn giao lại cho tỉnh Cà Mau

Do nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động không hiệu quả, Công ty Công Lý từng có văn bản "xin" giao nhà máy lại cho tỉnh Cà Mau.

Chân dung ông Tô Công Lý. Ảnh: Thanh Niên.

Tuổi Trẻ đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết, ông Tô Công Lý (35 tuổi, phó Tổng giám đốc Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý, gọi tắt Công ty Công Lý) bị bắt vì có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", phạm vào điều 179 Bộ luật hình sự.

Hiện ông Tô Công Lý bị tạm giam tại Trại tạm giam B34 Bộ Công an (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt ông Tô Công Lý vì có liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền nhiều tỉ đồng tại dự án Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau.

Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau được xây dựng theo chính sách ưu đãi đầu tư, với tổng vốn 300 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư. Trong đó, 40% vốn ưu đãi do Nhà nước hỗ trợ là do ngân sách trung ương (khoảng 120 tỉ đồng), ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%. Còn 50% vốn còn lại là của nhà đầu tư.

Công suất nhà máy 200 tấn/ngày, sử dụng dây chuyền xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ Vibio. Dự án được xây dựng vào năm 2010, đến năm 2012 thì đưa vào sử dụng.

Qua 7 năm hoạt động, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau có hai lần tạm ngưng để bảo trì, sửa chữa. Theo lý giải của Công ty Công Lý, do đặc thù của ngành xử lý rác, các thiết bị, máy móc luôn bị oxy hóa, rỉ sét rất nhanh, thường xuyên hư hỏng.

Theo một lãnh đạo tỉnh Cà Mau, do nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau hoạt động không hiệu quả, Công ty Công Lý từng có văn bản "xin" giao nhà máy lại cho tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, do nhà máy có nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương nên việc Công ty Công Lý "xin" giao lại nhà máy ngoài thẩm quyền của tỉnh.

Trước đó, theo Vietnamnet, công ty Công Lý từng có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại nhà máy xử lý rác.

Theo đó, công ty gặp tình trạng là thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hàng ngày tập kết về nhà máy. Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên. Đến nay quỹ đất này không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.

Công ty trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy... Tuy nhiên, báo cáo của Công an tỉnh Cà Mau khẳng định, việc công ty Công Lý khai báo phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong lượng rác đưa về nhà máy xử lý và đã chôn cất các thai nhi trong khuôn viên nhà máy là chưa có cơ sở.

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu công ty Công Lý phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc cung cấp thông tin không chính xác về số lượng 300 thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác khi đưa về nhà máy; không để xảy ra trường hợp cung cấp thông tin không chính xác trong thời gian tới.

Tác giả: Thanh Tùng (T/h)

Nguồn tin: Báo ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP