Trong tỉnh

Người đưa nghề nuôi rắn hổ mang về Đồng Văn

Đã từng bị rắn hổ mang tấn công, cứ ngỡ anh Nguyễn Hữu Phúc sẽ từ bỏ nghề nguy hiểm này, nhưng bằng sự quyết tâm anh đã thành công và trở thành người tiên phong nuôi rắn hổ mang ở xứ Đồng Lau, xã Đồng Văn (Tân Kỳ).

Dẫn chúng tôi tới trại nuôi rắn của gia đình được xây dựng kiên cố với diện tích rộng chừng 200 m2, chỉ vào những chiếc hộc bê tông nhỏ có cửa sắt chốt khóa an toàn, anh Nguyễn Hữu Phúc cho biết tại đây hiện đang có hơn 250 con rắn hổ mang trưởng thành đang được nuôi dưỡng.

Nói về cơ duyên với nghề nguy hiểm này, anh Phúc cho biết, trong một chuyến đi cùng bạn ra Ninh Bình và được tận mắt tham quan mô hình nuôi rắn nơi đây, anh nảy sinh ý tưởng nuôi rắn từ lúc đó. Từ ý tưởng ban đầu, năm 2014, anh vay vốn xây dựng hệ thống chuồng nuôi và làm thủ tục xin cấp phép của Chi cục Kiểm lâm. Thời gian đầu anh nuôi thử nghiệm mấy chục con, sau lên hàng trăm con.

Rắn trưởng thành được nuôi độc lập trong từng ô riêng biệt. Ảnh: Thanh Quỳnh

Khi cánh cửa lồng rắn bật mở, dõi ánh mắt theo tia sáng từ chiếc đèn pin hắt vào phía trong lồng, bất thình lình một chiếc đầu rắn đột nhiên dựng lên, cổ phình to, rướn cao và bắt đầu phát ra những tiếng phì thẹt liên hồi.

Thấy vẻ mặt lo lắng của chúng tôi, anh Phúc trấn an: “Nhiều người nghĩ, rắn là loài động vật hung dữ vì hay tấn công người. Tuy nhiên, nếu mình có thời gian tiếp xúc với rắn nhiều và giữ cự ly an toàn thì chúng sẽ rất ôn hòa. Tiếp xúc nhiều, rắn sẽ quen với thân nhiệt của mình và từ đó sẽ giảm bớt bản tính hoang dã trong chúng”.

Tiếp tục câu chuyện đang dang dở, anh tiết lộ thêm một bí mật thú vị về loài vật nguy hiểm này. Rắn nhìn vậy nhưng nó cũng có một điểm yếu “chí mạng” giữa sống lưng. Khi điểm trúng huyệt này thì con rắn đó coi như bị vô hiệu hóa. Nhưng phải biết ước chừng sao cho lực điểm huyệt phải vừa đủ, vì mạnh quá sẽ làm rắn gãy sống lưng còn yếu quá thì không có tác dụng.

Con rắn hổ mang dài hơn 1m, nặng gần 6kg được thuần phục trong tay anh Nguyễn Hữu Phúc. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tuy nhiên, anh Phúc vẫn không ngừng lưu ý với chúng tôi, rằng dù quen đến mức độ nào thì người nuôi rắn cũng cần phải có tính cẩn thận khi tiếp xúc với chúng. Bởi nọc rắn hổ mang cực độc, người bị cắn có thể mất mạng nếu trúng một cú tấn công trực tiếp của chúng. Ngoài cắn, rắn còn có thể phun nọc độc vào mắt người để tự vệ. Một con rắn trưởng thành có thể phun xa gần 2m, thậm chí rắn con cũng đã có thể phun nọc độc rồi.

Vào mùa đẻ trứng và phối giống (tháng 3 đến tháng 8 trong năm), rắn rất hưng dữ. Giai đoạn này được xem là thời điểm vất vả và nguy hiểm nhất trong năm.
Chính thời điểm này 2 năm trước, anh đã bị rắn phun nọc độc vào mắt. Phải mất gần 6 tháng chữa trị thì thị lực mới hồi phục bình thường. Sau những tình huống nguy hiểm đó, anh càng quyết tâm mày mò, học hỏi để hiểu hơn về loài vật này cũng như nắm được những đặc tính sinh học của chúng.

Một con rắn hổ mang đang ngủ. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngoài việc nắm vững đặc tính của rắn thì nghề nuôi rắn cũng khá công phu và tốn nhiều thời gian. Anh cho biết, thức ăn cho rắn tuy không khó tìm, chủ yếu là ếch, nhái, chuột hay gà, vịt nhỏ. Nhưng nguồn mồi phải chắc chắn phải khỏe mạnh và được vặt sạch lông, riêng cóc thì phải mổ bỏ sạch phân.

Với rắn trưởng thành thì cứ 2 đến 3 ngày anh lại cho rắn ăn một lần, mỗi lần khoảng 3 lượng mồi. Còn rắn nhỏ thì ngày nào cũng phải cho ăn, đề phòng khi đói chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau.

Để đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên, anh phải tự xây dựng khu nuôi cóc và nhái riêng dự phòng khi nguồn thức ăn khan hiếm, bởi một đặc thù khi nuôi rắn là không thể sử dụng các thức ăn công nghiệp để thay thế. Cũng chính vì vậy mà thịt rắn có giá trị dinh dưỡng rất cao và được thị trường ưa chuộng.

Rắn con sẽ nở sau 45 ngày ấp trứng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Về việc nhân giống rắn, anh tự mày mò học hỏi và thực hiện ngay tại nhà. Cầm những quả trứng hình bầu dục, có chiều dài khoảng chừng 5 cm với vỏ bọc khá mềm, anh Phúc chia sẻ: Sau 45 ngày ấp, rắn con sẽ nở và ngay lập tức được tách mẹ để bắt đầu sống tự lập. Những lúc tách rắn con, rắn mẹ cực kỳ hung dữ nên anh phải đi găng tay và dùng đồ bảo hộ kỹ càng. Thời gian đầu, khi nhiều lần bị rắn mẹ cắn thủng găng tay bảo hộ anh phải bỏ cuộc giữa chừng vì sợ hãi. Phải trải qua nhiều lần thất bại anh mới đạt độ thuần thục như hiện giờ.

Trái ngược với rắn trưởng thành, rắn con được nuôi tập trung theo đàn, chỗ trú ngụ của chúng là ruột của những chiếc chăn đã được anh gấp sẵn thành nhiều nếp. Khi tiết trời bắt đầu lạnh, anh Phúc phải chuẩn bị thêm 2 bình sưởi để tăng nhiệt độ phòng nuôi. Chỉ tính riêng thời gian ấp trứng, đến thời gian trứng nở thành rắn con, rồi nuôi trưởng thành đến lúc xuất chuồng, nhanh thì cũng phải 2 năm, còn lâu cũng phải 3 năm.

Dù nguy hiểm nhưng nghề nuôi rắn cũng “không bạc” với người nuôi. Rắn hổ mang cho giá trị kinh tế cao, ngoài có tác dụng làm thuốc chữa bệnh thì rắn hổ mang còn là thức ăn bổ dưỡng. Nhờ giá bán cao, trung bình từ 500.000 - 1.000.000 đồng/kg, mỗi năm nông trại rắn mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Từ đây, gia đình anh Phúc đã ổn định được cuộc sống và trở thành hộ khá giả nhất nhì xứ Đồng Lau./.

Tác giả: Thanh Quỳnh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP