Trong tỉnh

Người đàn ông bại liệt, lưng gù trở thành 'nhà sáng chế'

Cao chưa tới 1m, đôi chân bị liệt, lưng gù, nhưng hơn 40 năm qua, ông Võ Văn Trang ở xã Nghi Thịnh (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) là trụ cột đưa kinh tế đưa gia đình thành hộ khá giả. Đặc biệt, ông còn là “nhà sáng chế” đã chế tạo hàng loạt thiết bị, máy móc hữu dụng bán ra thị trường cho người khuyết tật.

Clip ông Võ Văn Trang sử dụng cầu thang máy do mình tự sáng chế:

Vượt lên số phận

Sinh ra vốn lành lặn bình thường, cùng với gương mặt khôi ngô, cử chỉ nhanh nhẹn, Võ Văn Trang đã từng là niềm hy vọng của cả gia đình.

Thế rồi vào năm 7 tuổi, trong một lần bị đau khớp cổ chân, ông được một thầy lang trong vùng chữa trị bằng phương pháp châm cứu. Sau một thời gian dài điều trị không đúng cách, đôi chân của ông càng ngày càng teo tóp rồi mất dần khả năng di chuyển. Dù sau đó gia đình có đưa ông đi chữa trị khắp các bệnh viện lớn nhỏ trong, ngoài tỉnh, nhưng mọi nỗ lực đều bằng không, bố mẹ đành nuốt nước mắt đưa con về nhà.

Cánh cửa tương lai tưởng chừng như khép lại trong vô vọng, nhưng số phận lại ban cho cậu bé Võ Văn Trang khả năng học tập nổi trội hơn bạn bè cùng trang lứa. Liên tục trong nhiều năm học, ông là đại diện cho học sinh giỏi của trường giật giải cao trong các kỳ thi môn Toán và môn Văn.

Ông Võ Văn Trang đang hoàn thiện sản phẩm xe ba bánh do mình tự thiết kế. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hằng ngày, trên con đường dài hơn 1km, người ta vẫn thấy cậu bé tật nguyền ấy dùng 2 bàn tay kéo lê cơ thể từng chút một để tới trường. Dù bàn tay sưng phù, rớm máu nhưng ông vẫn kiên trì tới lớp dù ngày mưa hay nắng.

Sau giờ học, cậu bé tật nguyền lại xin làm thuê cho một tiệm sửa xe gần trường để có thể có được một bữa ăn trưa miễn phí. Thế nhưng rồi, vào năm 16 tuổi ông vẫn đành ngậm ngùi khép lại giấc mớ tới trường. Bởi hoàn cảnh gia đình quá nghèo, nhà lại đông anh em. Đặc biệt, vì trường học cấp 3 rất xa so với nơi ở của gia đình, ông không thể tự mình di chuyển trên quãng đường ấy.

Để mưu sinh, ông mở lán sửa chữa xe đạp. Ông có biệt tài đoán "bệnh" của xe, đôi tay lại nhanh nhẹn, tháo vát nên được nhiều khách hàng tìm đến. Trong số ấy, có cô gái Hoàng Thị Chanh quê ở thị xã Cửa Lò. Nhà cô Chanh nghèo, tài sản riêng cô chỉ có 1 chiếc xe đạp để đi buôn bán ở chợ. Chiếc xe hôm lại đứt xích, hôm thủng săm khiến cô Chanh hầu như buổi chợ nào cũng phải ghé quán anh Trang. Rồi cô từ cảm phục đã chuyển sang cảm thương số phận của ông nên đồng ý về làm vợ.

Tình yêu của 2 người vấp vải sự phản đối kịch liệt từ nhà gái. Không chỉ phải vượt qua rất nhiều điều tiếng dị nghị, người thợ sửa xe tật nguyền còn phải vượt qua những mặc cảm, tự ti của chính mình để đi đến hôn nhân với vợ vào năm 1980. Năm đó chàng thanh niên Võ Văn Trang tròn 21 tuổi.

Dù đôi chân bị tàn tật, ông Võ Văn Trang vẫn nỗ lực cùng vợ vẫn vượt hàng chục km để giao từng thiết bị máy móc mà khách hàng đặt hàng ông thiết kế và sửa chữa. Ảnh: Thanh Quỳnh

Cưới được ít lâu, ông Trang trở bệnh nặng, toàn thân sưng phù, tay chân co rút. Vợ ông phải vay mượn tứ phương để có thể chữa bệnh cho chồng, nhưng đi đến đâu bác sỹ cũng lắc đầu. Nhìn cảnh vợ vất vả, lo toan vì mình, ông gắng gượng chống chọi với từng cơn đau đớn. Rồi phép màu đã xảy ra, ông đã vượt qua cơn nguy kịch. Cho dù sức khỏe đã giảm sút nhiều, tay chân co rút, lưng bị gù ngày càng nặng, nhưng ông vẫn luôn tự nhủ bản thân phải lạc quan, vui vẻ, gắng làm việc để đỡ đần cho vợ.

Chiếc lán sửa xe lại tiếp tục mở cửa, người ta lại nghe thấy tiếng cười của ông “Trang gù” vang lên vui vẻ mỗi khi tiếp đón những vị khách của mình. Cho tới khi bước qua tuổi ngũ tuần, chiếc lán sửa xe ngày nào nay đã trở thành cơ ngơi khang trang, rộng rãi, ông vẫn chưa một ngày ngừng nghỉ làm việc để thực sự là trụ cột kinh tế cho gia đình.

Trở thành "nhà sáng chế"

Ngoài việc sửa xe, ông Trang còn dùng thời gian rảnh rỗi lùng sục tìm sách về thiết kế và sửa chữa các thiết bị máy móc dân dụng để đọc và nghiền ngẫm. Dù sức khỏe yếu, nhưng ông có một niềm đam mê đặc biệt với các loại máy móc, đặc biệt là các loại thiết bị phục vụ cho người khuyết tật.

Ông “Trang gù” dần nổi tiếng khắp vùng với khả năng sửa thiết bị điện tử và đồ gia dụng. Từ radio, ti vi cho tới mô tơ, máy đập bột, máy gặt có trục trặc gì ông đều xử lý nhanh, gọn trong sự ngạc nhiên, thán phục của mọi người.

Tinh thần lạc quan và tình yêu lao động là liều thuốc quý giá giúp ông Võ Văn Trang vượt qua khó khăn để sống có ý nghĩa. Ảnh: Thanh Quỳnh

Vào năm 2007, trong một lần đi đường, ông quan sát thấy một số người khuyết tật có thể tự di chuyển quãng đường dài nhờ xe 3 bánh. Tuy nhiên, giá tiền của xe là khá lớn tới hơn 7 triệu đồng. Ông nung nấu ý tưởng tự sáng chế cho mình một chiếc xe như vậy.

Nghĩ là làm, ông bắt đầu tìm tòi học hỏi về cấu tạo, chức năng của xe qua sách báo. Trên lý thuyết là thế nhưng đến khi bắt tay vào làm, ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải chạy khắp nơi tìm kiếm nguyên liệu để chế tạo, tự mình thu góp nhặt và mua từng bộ phận từ con ốc cho đến chiếc bánh, bộ giảm xóc... Làm được vài bộ phận ông lại chạy phải đi xem vật mẫu trưng bày tại các cửa hàng.

Hơn 5 năm mày mò thực nghiệm, chiếc xe 3 bánh đã hoàn thành. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ đơn giản rằng việc cải tiến chiếc xe máy của mình chỉ là để nhằm phục vụ bản thân đi lại cho tiện. Nhưng rồi thấy ông đi, nhiều người tàn tật đã tìm đến đặt hàng. Đến nay, ông đã chế ra hàng trăm chiếc xe ba bánh cho thương binh, người khuyết tật. Đó không chỉ là niềm vui khi có thêm thu nhập giúp ông lo cho 3 người con ăn học, mà còn vừa giúp người cùng cảnh ngộ có phương tiện đi lại, hòa nhập cộng đồng. Ông chỉ lấy tiền nguyên vật liệu và số tiền công vừa phải mà thôi.

Sau nhiều năm làm ăn chăm chỉ, ông dựng được một căn nhà 2 tầng khang trang cho vợ con. Có nhà mới, lẽ ra ông phải vui mừng mới đúng, nhưng người ta lại thấy ông cứ nhìn trân trân vào chiếc cầu thang rồi thở dài im lặng. Hóa ra, chỉ vì đôi chân tật nguyền của mình mà vợ ông lại thêm một gánh nặng khi hằng ngày phải đưa ông lên xuống tầng 2 - nơi đựng nguyên vật liệu điện tử của gia đình.

Chỉ cần ấn nút điều khiển, chiếc "thang máy" do ông Trang tự thiết kế sẽ đưa ông lên, xuống các tầng một cách an toàn. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong một lần ra Hải Phòng thăm người bạn cũ, ông vô tình thấy máy vận chuyển lúa của người dân. Trong đầu ông chợt nảy ra ý tưởng học hỏi phương thức nâng - hạ lúa của máy để thiết kế cho mình một chiếc cầu thang máy nối liền từ tầng 1 lên tầng 2 của gia đình.

Ngay lập tức, ông mua vật liệu sắt, thép, mô tơ…rồi thực hiện ý tưởng của mình. Chỗ nào cần sức người, ông lại hướng dẫn cho các con giúp đỡ. Sau hơn 4 tháng mày mò, chiếc cầu thang máy thành công ngoài mong đợi. Bà con lối xóm cùng nhau đến xem và không khỏi trầm trồ thán phục. Nhiều chủ cửa hàng thiết bị cho người khuyết tật cũng tìm đến ông để đặt hàng khiến ông vô cùng hạnh phúc.

Ông Lê Văn Minh là xóm trưởng, cũng là bạn học của ông Trang cho biết: “Không chỉ là tấm gương vượt lên số phận, từ người khuyết tật trở thành một "nhà sáng chế" nổi tiếng trong vùng, ông Võ Văn Trang còn tích cực ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, đóng góp xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”... hàng triệu đồng mỗi năm”.

Tác giả: Thanh Quỳnh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: tật nguyền ,sáng chế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP