Xã hội

Người công giáo tảo mộ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết như thế nào?

Cũng như đồng bào thờ cúng ông bà tổ tiên không theo đạo, những ngày cuối năm bà con giáo dân lại ra nghĩa trang tảo mộ, mời những người đã khuất về nhà ăn Tết.

Theo phong tục của người Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, việc ra nghĩa trang tảo mộ ngày cuối năm là truyền thống tốt đẹp của con cháu thực hiện đạo hiếu với tổ tiên.

Đây cũng là dịp để con cháu thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa người còn sống với người đã khuất.

Theo phong tục tập quán, người Công giáo cũng ra nghĩa trang tảo mộ ngày cuối năm. Ảnh PHẠM ĐỨC

Tảo mộ, sửa sang, chăm sóc mộ phần của ông bà tổ tiên cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình.

Người Công giáo Việt Nam cũng làm theo các lễ tục của dân tộc, bà con cũng tảo mộ vào dịp trước Tết Nguyên đán, cũng ăn Tết Thanh minh như đồng bào bên lương không theo đạo.

Những bông hoa được con cháu dâng lên tại các phần mộ trong nghĩa trang người Công giáo. Ảnh PHẠM ĐỨC

Ngoài ra, người tín hữu còn có dịp nhớ đến những người đã khuất một cách đặc biệt hằng năm trong suốt tháng 11 và dành cả tháng này để tưởng nhớ đến tổ tiên, tưởng nhớ đến các Ngài. Chiều tối ngày 1.11 là lễ các Thánh, cũng như một buổi chiều tối nào đó của ngày trước Tết Nguyên đán, cả giáo xứ ra viếng nghĩa trang.

Trước đó cũng tảo mộ, tức quét tước, sửa sang phần mộ cho sạch sẽ, tươm tất. Rồi đến giờ đã định trước, mọi người quy tụ đông đủ nghĩa trang để cử hành Thánh lễ đặc biệt cầu cho các người đang an nghỉ tại đây. Tại mỗi phần mộ đều thắp nến sáng, thắp nhang và đặt hoa tươi.

Người Công giáo dâng nén hương thơm và những bông hoa lên các phần mộ vào những ngày cuối cùng của năm cũ. Ảnh PHẠM ĐỨC

Thánh lễ được cử hành, với lòng thành kính, sốt sắng của những người hiện diện, tạo nên một khung cảnh thật trang trọng, đầm ấm, linh thiêng. Buổi lễ vừa có tính cách gia đình riêng lẻ, vừa có tính cách chung của cả cộng đoàn những người con Chúa tại địa phương. Cả nghĩa trang u buồn, lạnh lẽo của những ngày thường, giờ đây như sống động hẳn lên. Với lời kinh, tiếng hát vang lên. Hàng ngàn ánh nến lung linh chiếu sáng cả vùng nghĩa trang.

Vào ngày mùng 2 Tết, người Công giáo cũng tham dự Thánh lễ cầu cho ông bà tổ tiên tại nghĩa trang.

Ngoài dâng hương dâng hoa, người Công giáo còn đọc những bài kinh để cầu nguyện cho người đã khuất. Ảnh PHẠM ĐỨC

Ngoài ra, vào ngày giỗ hằng năm của mỗi người thân trong gia đình, người Công giáo cũng có thói quen viếng mộ, dâng Thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện cho các Ngài tại nghĩa trang và tại nhà thờ.

Với người Công giáo việc giữ chữ hiếu, thi hành đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ là lệnh truyền phải giữ, phải thi hành. Vì trong đạo, lời của Chúa dạy là phải hiếu thảo với cha mẹ. Đây là lệnh truyền chứ không phải lời khuyên.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP