Xung quanh dự thảo thông tư quy định tiêu chuẩn sức khoẻ của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết: Quy định về sức khoẻ của lái tàu đã có từ trước, nhưng bây giờ có luật Đường sắt mới nên rà soát bổ sung thêm để ban hành thực thi luật Đường sắt 2017.
Hiện Bộ Y tế và Bộ GTVT đang phối hợp để xây dựng lại thông tư nghị định.
Ông Hoạch nói, về chuyên môn, Bộ Y tế xin ý kiến các bộ ngành, trong đó có Bộ GTVT. Tổng Công ty Đường sắt giao cho Trung tâm Y tế đường sắt nghiên cứu để tham gia xây dựng nghị định này.
“Thể lực liên quan đến kích cỡ con người như chiều cao, cân nặng, vòng đo… Về chuyên môn Trung tâm Y tế sẽ phối hợp xây dựng cùng các cơ quan chuyên môn để xây dựng dự thảo cho phù hợp”, ông Hoạch nói.
Lái tàu là nghề nặng nhọc nên có nhiều quy định khắt khe trong khám sức khoẻ |
Theo ông Bùi Văn Dũng, GĐ Trung tâm Y tế đường sắt, sở dĩ về chuyên môn y khoa được quy định có phần khắt khe như vậy bởi đây đều là các vị trí liên quan trực tiếp đến an toàn chạy tàu. Nếu không đảm bảo sức khỏe hay có sự cố sức khỏe trong khi tác nghiệp sẽ đe dọa đến mất an toàn chạy tàu.
Ông Dũng nêu dẫn chứng, nếu nam lái tàu bị bệnh lậu đã chữa khỏi nhưng di chứng là hẹp niệu đạo, tiểu rắt, cứ 15-20 phút phải đi tiểu 1 lần, mỗi lần đi mất 5-10 phút thì không lái được, nhất là trong khi lái tàu đòi hỏi tập trung cao độ.
Ông Dũng nói rõ, lái tàu là lao động thuộc loại nặng nhọc, độc hại (loại 4, loại 5) nên sức khỏe phải tốt. Ngay cả quy định vòng ngực cũng cần thiết vì liên quan đến thể lực, chiều cao, theo công thức của Tổ chức Y tế Thế giới. Vòng ngực tối thiểu như vậy mới đảm bảo thể tích lồng ngực cho các sức năng khác như hô hấp.
“Một người cao 1m60 mà vòng ngực dưới 75cm là siêu gầy, không dị tật lồng ngực, bệnh tật thì cũng bị AIDS giai đoạn cuối”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, những quy định về chiều cao, cân nặng, vòng ngực, thị lực, thính lực… là liên quan đến tầm với, tầm quan sát, sức khỏe của nhân viên phải quy định nghiêm ngặt vì đều liên quan lớn đến công tác an toàn chạy tàu.
“Những lao động nặng nhọc, độc hại trong ngành đường sắt không chỉ liên quan đến an toàn cho những người tham gia giao thông và bản thân họ mà còn liên quan đến hàng trăm hành khách trên tàu nữa. Ngay như người làm gác chắn (công việc đơn giản nhất) cũng làm 12h mỗi ngày thì phải chọn người có đủ sức khoẻ”, ông Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, dự thảo vẫn có một số tiêu chí không cần thiết, có thể loại bỏ. Cụ thể như người có răng lệch khớp cắn (răng hô) chiếu theo tiêu chuẩn là quá khắt khe…
“Quan điểm của chúng tôi là những tiêu chuẩn không ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc thì không cần thiết đưa vào dự thảo”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Thành Lâm, Phó cục trưởng Cục Y tế (Bộ GTVT) cũng cho biết, nhiều người bức xúc với quy định về khám dương vật, tinh hoàn, bộ phận tiết niệu… với lái tàu.
Tuy nhiên, việc kiểm tra là cần thiết, bởi nam giới bị tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo... không thể tuyển đầu vào để học và lái tàu. Nhất là khi lái tàu là nghề nặng nhọc, cần phải có sức khoẻ tốt.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet