Trong tỉnh

Nghĩa Đàn – Nghệ An: “Nóng” nạn khai thác, vận chuyển đá cảnh cổ thạch trái phép

Tình trạng khai thác và vận chuyển đá cảnh loại cổ thạch đang diễn ra liên tiếp, công khai trên địa bàn xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Sự việc diễn ra công khai nhưng thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Một trong những khu vực đang khai thác đá cổ thạch trên địa bàn xã Nghĩa Hiếu.

Theo thông tin phản ánh từ người dân, nhóm phóng viên tìm về xóm Tân Xuân, xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, nơi có nhiều điểm khai thác đá trái phép diễn ra cả ngày và đêm. Tại hiện trường, máy xúc bánh xích Hitachi EX700H đang hoạt động hết công suất. Những khối đá to được máy xúc cỡ lớn đào lên khỏi mặt đất tràn lan. Bên cạnh, xe ô tô tải hạng nặng BKS 37C - 092.86 đang chờ để đưa đá lên thùng. Tiếng máy kêu "đinh tai nhức óc", ngổn ngang từng tảng đá lớn tràn lan khắp thửa đất. Những hố sâu hàng mét, những vườn đồi tan hoang...

Đá khai thác sau đó được vận chuyển trái phép ra khỏi địa phương một cách công khai. Theo quan sát, việc khai thác, vận chuyển đá trái phép diễn ra trong nhiều ngày.

Máy xúc bánh xích Hitachi EX700H đang hoạt động hết công suất.

Được biết, đá được khai thác tại xóm Tân Xuân, xã Nghĩa Hiếu là đá Cổ thạch có giá trị kinh tế cao. Việc để vấn nạn khai thác đá "thổ phỉ" gây thất thoát nguồn tài nguyên quý, thất thoát tiền của nhà nước.

Ông Trần Quang H. (một người cho thuê máy xúc trên địa bàn) cho biết: "Họ thuê máy xích Hitachi EX700H này với giá 150 triệu đồng/1 tháng, thửa đất họ đang khai thác đá mua với giá 140 triệu đồng, giá đá được bán là 700 ngàn đồng/1 tấn. Với công xuất của máy máy xích này, trung bình mỗi ngày tiêu hao từ 6 – 8 triệu tiền dầu. Như vậy, khối lượng khai thác đá cổ thạch phải rất lớn mới mới đủ cho các chi phí".

Những viên đá cổ thạch được khai thác từ lòng đất lên đang chờ bốc lên xe tải đưa ra khỏi địa phương.

Để có cái nhìn khách quan và chính xác, ngày 16/3, chúng tôi đã liên hệ lãnh đạo UBND huyện Nghĩa Đàn để phản ánh tình trạng khai thác và vận chuyển đá trái phép đang diễn ra công khai trên địa bàn xã Nghĩa Hiếu, đại diện lãnh đạo UBND huyện cho biết: "Chúng tôi quán triệt xử lý mạnh tay những trường hợp khai thác đá trái phép, không dung túng cho bất kỳ trường hợp nào".

Ngày 17/3, chúng tôi đến UBND xã Nghĩa Hiếu liên hệ với Chủ tịch xã Nghĩa Hiếu để phản ánh về tình trạng khai thác và vận chuyển đá công khai, trái phép thì được biết Chủ tịch xã đi họp. Sau khi liên hệ phản ánh qua điện thoại, chúng tôi nhận được câu trả lởi: "Chuyện canh gác đã có công an, chủ tịch phải lo đi làm nhiều việc..." rồi dập máy.

Công trường hoạt động rất bài bản và đúng giờ từ 7h sáng đến 19h hằng ngày.

Nhóm phóng viên nhiều lần phản ánh về tình hình khai thác đá trái phép trên địa bàn xã với Chủ tịch xã Nghĩa Hiếu, đồng thời, gọi điện liên hệ với lãnh đạo Công an huyện Nghĩa Đàn đến bắt quả tang những xe tải và xe cẩu hạng nặng bốc cẩu đá khai thác trái phép một cách công khai giữa ban ngày. Sau mỗi lần phản ánh đó, việc dừng hoạt động khai thác đá trái phép chỉ diễn ra một thời gian rất ngắn, sau đó đâu lại vào đấy. Thậm chí việc mua bán đá trái phép diễn ra ngày càng nhộn nhịp trên địa bàn xã và nhiều điểm tập kết đá (có điểm tập kết ngay sát trụ sở UBND xã - PV) và trên QL 48.

Việc xử phạt hành chính về hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán đá cổ thạch trái phép là để răn đe, giáo dục, cuối cùng là ngăn chặn hành vi sai phạm tái diễn, nhưng mức xử phạt quá thấp, không thấm gì so với giá trị của khai thác trái phép mang lại. Mỗi xe tải chở hàng chục tấn đá với giá trị từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng, trong khi mức xử phạt chỉ vài triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Nhiều chủ khai thác sẵn sàng nộp phạt, coi đó như "cái giá" phải trả để "hợp thức hóa xe hàng".

Việc không tịch thu những hàng hóa, khoáng sản trái phép, phạt xong bỏ đó mà không kiểm tra ngăn chặn thường xuyên, liên tục và việc thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương (dù nhiều lần các cơ quan báo chí phản ánh) là một trong những nguyên nhân khiến "đá tặc" công khai lộng hành.

Máy xúc được thuê với giá 150 triệu/tháng.

Xe tải vận chuyển biển số 37C 092.86 thuộc Cty TNHH Hoàng Phương.

Tình trạng khai thác, vận chuyển mua bán đá thổ phỉ công khai trên địa bàn đang tiếp tục tái diễn cho thấy sự coi thường pháp luật của một số doanh nghiệp, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, gây bức xúc dư luận. Phải chăng có điều gì đó "uẩn khúc" đằng sau câu chuyện này? Có hay không lợi ích nhóm nơi đây khi diễn ra công khai việc khai thác và vận chuyển?

Đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn nhanh chóng vào cuộc, làm rõ trách nhiệm quản lý của UBND xã Nghĩa Hiếu đồng thời có những biện pháp đủ sức răn đe để ngăn chặn tình trạng khai thác vận chuyển trái phép đá cổ thạch tại địa phương.

Tác giả: Thái Quảng - Minh Tú

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP