Xã hội

Nghị lực của Tuấn

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả thì vẫn còn đó. Những người lính năm xưa trở về thời bình còn phải đối mặt với nỗi đau chiến tranh, sinh ra những đứa con tật nguyền do di chứng chất độc da cam để lại.

Câu chuyện của anh Phan Văn Tuấn - xã Phúc Thành, huyện Yên Thành là một trong những số phận như thế, đã gợi lên cảm xúc với bao người, bởi ở anh luôn toát lên một nghị lực sống mãnh liệt.

Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, Tuấn từng có một tuổi thơ bình yên trong mái ấm gia đình. Nhưng rồi đến năm học lớp 8, những cơn đau trong cơ thể bắt đầu xuất hiện, mặc dù được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều bệnh viện, nhưng rồi y học cũng đành bó tay, bởi anh đã bị viêm đa khớp do di chứng chất độc da cam từ người cha.

images1316825 tuan1
Buổi làm việc ngoài trời của anh Tuấn

Kể từ ngày đó, sức khỏe của Tuấn ngày một yếu hơn, vì không đi lại được nên anh phải nghỉ học, bao ước mơ dường như tan biến trong sự tiếc nuối của thầy cô và bè bạn .

Anh Tuấn chia sẻ: Có những thời gian không đi lại được, phải nằm trên gường, nhờ bố mẹ, anh em dìu dắc tập đi, phải có đến 2 năm đi bằng nạng chống. Khi bệnh tình đã đỡ, mình nghĩ phải tìm một nghề gì đó phù hợp với sức khỏe để giảm gánh nặng cho gia đình, sau để nuôi sống bản thân.

Không chấp nhận sự sắp đặt của số phận, chàng trai đó quyết tâm vươn lên để chiến thắng với bệnh tật.

Năm 2001, Tuấn đã quyết định vào Thành phố Vinh để học nghề máy tính và nghề làm ảnh. Nhờ có chút năng khiếu và hơn hết là lòng quyết tâm, chỉ trong thời gian ngắn anh đã nhanh chóng trở thành một thợ Photoshop lành nghề, được một số ảnh viện nhận vào làm việc.

Đến năm 2008, anh quyết định về quê lập nghiệp. Được UBND xã Phúc Thành hỗ trợ 100m2 đất, anh đã mạnh dạn mở một cửa hiệu làm ảnh, vừa kiếm sống, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân.

images1316826 tuan3
Người đàn ông đầy nghị lực này còn nhận dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật

Cảm phục ở Tuấn có một nghị lực sống mãnh liệt, chị Cao Thị Phương - người con gái cùng quê hiền lành, nết na đã đem lòng yêu thương, rồi kết hôn cùng anh. Sau biết bao khó khăn, thử thách, đến hôm nay Vợ chồng anh đã có được một ảnh viện áo cưới nổi tiếng ở huyện lúa Yên Thành.

Không những thế, 6 năm nay, cơ sở này đã nhận dạy nghề làm ảnh miễn phí cho gần 20 người, phần lớn là người khuyết tật.

Chị Phạm Thị Lân - Xóm 8 xã Phúc Thành - Yên Thành cho biết: Từ khi được anh Tuấn đến tận nhà động viên khích lệ học, giờ tôi có 1 cái nghề rồi cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều, làm được nhiều việc có ích cho gia đình.

Theo chị Phạm Thị Phương - Xã Châu Bình - Quỳ Châu, người lặn lội xuống chỗ thầy Tuấn học nghề: Em cũng bị tàn tật, gặp được anh Tuấn học nghề Photoshop, giờ mở được cửa hàng rồi, làm ăn cũng được.

images1316827 tuan4
Gia đình nhỏ ấm áp là chỗ dựa vững chắc cho anh

Không chỉ ấn tượng bởi nghị lực sống, mà ở người đàn ông 36 tuổi này còn thể hiện sự chân tình, giản dị. Hàng ngày, bên hồ Diệu Ốc ở xã Phúc Thành, anh Phan Văn Tuấn vẫn miệt mài với nghề chụp ảnh để kiếm sống; đồng thời góp phần làm đẹp cho đời, đem niềm vui, hạnh phúc đến với mọi nhà.

Tác giả bài viết: Thái Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP