Xã hội

Nghề báo, đam mê và cám dỗ

Nghề báo là nghề vinh quang đầy đam mê với người cầm bút, nhưng cũng đầy khó khăn và cám dỗ.

Khó khăn, thách thức, hiểm nguy

Đánh giá về nghề báo, những người trong cuộc, đặc biệt là những nhà báo kỳ cựu đều cho rằng: Nghề báo là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội cao.

Lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội luôn gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời người làm báo. Hàng ngày báo chí mang đến cho người dân một lượng thông tin khổng lồ. Để có lượng thông tin đó, người làm báo phải lao động vất vả ngày đêm, năng động sáng tạo và cao hơn cả là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước thông tin mà mình đưa ra.

Trách nhiệm xã hội của người làm báo không chỉ là thu thập, xử lý thông tin mà còn đòi hỏi phải đảm bảo tính khách quan chân thật và đồng thời cũng không được vô cảm trước những vấn đề bức xúc, nỗi đau của người dân trong đời sống xã hội. Để thực hiện được trách nhiệm xã hội, làm tốt công việc của mình thì yếu tố say mê, tâm huyết với nghề là một điều đặc biệt quan trọng. Lòng yêu nghề chính là chất xúc tác đặc biệt giúp nhà báo vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp.

Với nghề báo, việc đối diện với khó khăn và thử thách là điều không tránh khỏi. Nghề báo được xếp vào tốp 10 trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Chuyện nhà báo bị thương, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng đã từng xảy ra khi tác nghiệp nơi vùng sâu, vùng xa, rốn lũ hay trong quá trình điều tra tệ nạn xã hội, đấu tranh chống tiêu cực. Các nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, bị thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp; bị giữ người; bị quấy rối tình dục; bị vu khống; bị tấn công, gây thương tích, trả thù… và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác.

Có thể thấy, để có được những sản phẩm là những bài báo, tờ báo mà độc giả cầm trên tay, đôi khi có cả máu, mồ hôi và nước mắt của người làm báo.

Áp lực và cám dỗ

Không chỉ vượt qua những khó khăn, thử thách và hiểm nguy, nhà báo phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là áp lực phải có sản phẩm đúng giờ, đúng ngày, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh từng phút, từng giờ của báo điện tử hiện nay.

Áp lực này đòi hỏi các nhà báo ngoài phát hiện vấn đề nhanh, tác nghiệp nhanh, cần phải có cả kỹ năng tốt để có được sản phẩm nhanh nhất, tốt nhất, thậm chí là độc quyền. Nhà báo luôn phải làm sao để có bài kịp thời nhưng cũng phải hay và hấp dẫn, bên cạnh đó, cũng đòi hỏi phải khách quan và chính xác.

Nhà báo cũng đứng trước áp lực vô cùng lớn khi không gian bao chí đang thay đổi từng ngày, từng giờ đòi hỏi người làm báo phải hòa nhập và phù hợp với nền báo chí đa nền tảng, đa phương tiện. Đồng thời, các nhà báo cũng phải cạnh tranh ngày càng ráo riết với cái đang được gọi là “quyền lực thứ năm” - mạng xã hội. Điều đó buộc các nhà báo phải liên tục cập nhật thông tin, kiến thức và công nghệ mới để không chỉ song hành mà còn phải vượt lên mạng xã hội.

Bên cạnh những áp lực về công việc, các nhà báo cũng phải đối mắt với những áp lực riêng tư, bởi công việc của người làm báo không tính theo giờ hành chính. Đây là một thách thức, khi vừa phải đảm bảo công việc trong guồng quay chóng mặt của thông tin mà vẫn cố gắng giảm tối đa những ảnh hưởng đó đến sinh hoạt và các mối quan hệ trong gia đình.

Một thử thách và áp lực khác không kém hiểm nguy mà các nhà báo phải đối mặt, đó là sự cám dỗ. Xã hội càng hiện đại, “quyền lực“ của thông tin càng lớn thì những cám dỗ với nhà báo ngày càng nhiều. Đứng trước cám dỗ của đồng tiền nhằm bưng bít thông tin, những ai không vững lòng, họ sẽ dễ thỏa hiệp và sa vào con đường “ma đạo”. Từ đó dễ nảy sinh những vấn đề tiêu cực, đổi trắng thay đen, bất chấp tất cả để đạt được mục đích. Đã có những nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính, bẻ cong ngòi bút vì đồng tiền. Đã có những nhà báo bị khởi tố, vướng vòng lao lý trong thời gian qua. Đây là bài học chung cho những người làm nghề và cũng là những điều đáng để mỗi người làm báo cùng suy ngẫm.

Giữ vững bản lĩnh và đạo đức của người làm báo

Để trở thành nhà báo giỏi, nhà báo chân chính việc đầu tiên là phải giữ được bầu nhiệt huyết và một cái tâm với nghề thật trong sạch, như nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Làm nghề này phải bút sắc, lòng trong thì mới nên nghề”.

Nhà báo không chỉ cần có đam mê, dấn thân mà còn rất cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đó giúp người làm báo có cách nhìn nhận khách quan, vượt qua những khó khăn, chướng ngại vật, sự đe dọa, áp đảo và kể cả sự cám dỗ của đồng tiền. Bản lĩnh đó giúp nhà báo có cái nhìn đúng đắn và phản ánh trung thực khách quan hiện thực, nêu gương cái tốt, đấu tranh với cái xấu, góp phần vào sự công bằng của xã hội. Đó cũng chính là đạo đức của người làm báo.

Những ai đến với nghề báo đều luôn cảm thấy tự hào vì mình đã và đang góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Những tấm gương đẹp, những nhân tố tích cực được biểu dương, những bài viết đề cao tính nhân văn về lòng vị tha, tình yêu, cuộc sống được lan tỏa, nhân lên ánh sáng của niềm tin và sự tích cực. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với những góc khuất, những vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, sai phạm; góp phần vào sự công bằng, văn minh.

Để báo chí xứng đáng là đại diện tiếng nói cho người dân, bản thân mỗi nhà báo phải có sự nỗ lực, rèn luyện không ngừng. Các nhà báo luôn phải tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý, đấu tranh với sự bất công, chống tiêu cực, chống cái ác, cái xấu. Đồng thời, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới; luôn trung thực, phản ánh khách quan, chân thực trong mỗi bài viết. Bên cạnh đó, giữ cho mình luôn bản lĩnh, kiên định, trong sạch trước những cám dỗ của vật chất... Điều đó đòi hỏi cả một quá trình học tập và rèn luyện hàng ngày, hàng giờ trong môi trường báo chí hiện nay.

Có được bản lĩnh vững vàng về chính trị, sắc sảo về nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh quyết liệt với cái sai, với sự lạc hậu, cẩu thả, vô trách nhiệm, kiên định trước những cám dỗ... chắc chắn, những người làm báo sẽ thành công trên con đường đã chọn.

Để trở thành nhà báo giỏi, nhà báo chân chính, không chỉ cần có đam mê, dấn thân mà còn rất cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đó giúp người làm báo có cách nhìn nhận khách quan, vượt qua những khó khăn, chướng ngại vật, sự đe dọa, áp đảo và kể cả sự cám dỗ của đồng tiền, để phản ánh trung thực khách quan, để góp phần đấu tranh với cái xấu, góp phần vào sự công bằng của xã hội. Đó cũng chính là đạo đức của người làm báo”.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP