Kinh tế

Nghệ An: Vỡ mộng với chuối xuất khẩu, đổ cho trâu bò ăn, làm phân do dịch Covid-19

Bỏ hàng chục tỷ đồng xây dựng mô hình trồng chuối xuất khẩu nhưng đến ngày thu hoạch lại bí đầu ra, giá xuống quá thấp, người trồng đành để thối rữa, cho trâu bò ăn hoặc chế biến thành phân vi sinh.

Đưa chuối Nghệ xuất khẩu châu Âu

Mô hình trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu từng được kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội trên vùng đất bãi bồi xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Đây cũng là một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong của huyện Đô Lương với hệ thống tưới tự động.

Cuối năm 2019, những cây chuối tiêu hồng đầu tiên được trồng, quy trình chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn xuất khẩu Á - Âu nên rất kỳ công, tốn kém.

Năm nay chuối được mùa nhưng do dịch bệnh nên không thể xuất khẩu.

Để có được 20 ha chuối phát triển như hôm nay, anh Nguyễn Trọng Tuấn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo đất, hệ thống điện nước, tưới tự động, giống, phân bón… Chưa kịp vui mừng khi chuối sinh trưởng tốt, cho quả to đều, đẹp, thơm ngon thì dịch ập đến… chuối rơi vào tình cảnh bí đầu ra, thậm chí không thể bán được vì giá xuống quá thấp.

Ghi nhận của phóng viên tại vùng bãi Thuận Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, hàng chục nghìn cây chuối đã vào kỳ thu hoạch. Khoảng 1/3 diện tích chuối quả đã xanh già, nhiều buồng chín ngả màu vàng, quả đều đẹp nhưng chủ trại chỉ thu hoạch cầm chừng vì không có thương lái thu mua.

Chuối ùn ứ, bán chậm khiến người trồng thất thu.

Anh Nguyễn Trọng Tuấn cho biết, hiện là chính vụ thu hoạch chuối đã chín. Trung bình mỗi ngày, số chuối đến kỳ thu hoạch là khoảng 15-20 tấn chuối. "Song chặt xuống không biết bán cho ai, thi thoảng mới có thương lái từ Vinh lên thu mua", anh nói.

Không chỉ bế tắc đầu ra, giá chuối cũng xuống thấp kỷ lục, chỉ dao động 1.200 - 1.800 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán, để có được 1 kg chuối thành phẩm thì người trồng phải bỏ ra từ 2.500-3.500 đồng. Nếu bán với mức giá 4.000 đồng/kg thì mới có lãi. Dù giá thấp, cũng phải chấp nhận bán nếu không chuối chín sẽ thối, hỏng.

Người dân thu hoạch chuối.

Số chuối chín không bán được đành phải tấp đống, chặt xuống ủ làm phân vi sinh hoặc cho trâu bò ăn.

Cũng theo anh Nguyễn Trọng Tuấn, năm 2020, khi lứa chuối đầu tiên cho thu hoạch thì dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, chuối chỉ xuất khẩu nhỏ giọt sang Trung Quốc với mức giá thấp, lợi nhuận gần như là con số "0". Không có lãi nhưng vẫn còn may mắn là xuất được 200 tấn, năm nay thì chuối xuất khẩu chững lại hoàn toàn.

Bí đầu ra, đổ chuối cho trâu bò ăn

Không có đầu ra, những buồng chuối chín sớm được chặt xuống nằm lăn lóc dưới gốc, rồi tự phân hủy, một số khác được chặt xuống để ủ làm phân vi sinh. Chuối không bán được, hệ thống dây chuyền rửa và đóng gói cũng bỏ không.

Ông Trần Huy Cận, Giám đốc trang trại chuối rộng 20 ha, chia sẻ với Dân trí. thời gian qua, công ty bỏ ra 5-7 tỷ đồng để làm mô hình cây chuối theo công nghệ sạch. Tuy nhiên, năm nay xuất khẩu bị đóng băng do dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, lượng hoa quả năm nay lại được mùa, nên sản phẩm bán ra thị trường cũng bị chậm lại, không ăn thua.

Mỗi tuần, trang trại của ông Cận chỉ bán được 2-3 tấn, so với thời điểm này năm ngoái thì lỗ khoảng 500-700 triệu đồng. Ông đang cố gắng nuôi 13-15 công nhân, là những người địa phương để họ thay phiên nhau chăm bón, tưới tiêu. Mỗi công nhân ở đây được trả công 4-7 triệu đồng/người/tháng.

Phần lớn số chuối bán được năm nay là rất ít và lỗ nặng so với năm trước.

Những buồng chuối chín vàng ươm, quả to, đều để thối rữa ngay tại gốc khiến nhiều người xót xa. Chuối không bán được, thu nhập của công nhân làm việc tại đây cũng rớt theo. Bình thường mức lương được nhận là khoảng 4-7 triệu đồng/tháng nhưng nay chỉ còn khoảng 1,5 triệu đồng. Họ đều hy vọng sớm tìm được đầu ra cho sản phẩm để có thu nhập ổn định.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Hợi - Chủ tịch UBND Thuận Sơn - cho biết, sở dĩ đợt này chuối được mùa không bán được là do dịch bệnh Covid-19 hoành hành. "Giá thấp nên chuối của công ty này chỉ biết cho trâu bò ăn, làm phân vi sinh. Hiện công ty này đang tiếp nhận 14 lao động là người dân địa phương chúng tôi, phần nào góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con, song đợt này chuối không bán được nên cũng vất vả lắm", ông Hợi bày tỏ.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP