Giáo dục

Nghệ An: Triển khai ổn định, hiệu quả chương trình sách giáo khoa lớp 2 và 6

Sau hơn 1 học kỳ triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có thời gian dài chuyển sang hình thức học trực tuyến, song việc dạy học ở các nhà trường đã dần đi vào guồng ổn định.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Nghi Phú 2 (TP Vinh).


Bên cạnh những kết quả ưu việt nhìn thấy được từ chương trình Giáo dục phổ thông mới, thì cũng có một số vướng mắc đang từng bước được tháo gỡ, chuẩn bị cho thay SGK ở các lớp tiếp theo.

Vào guồng ổn định

Điều này, nếu học sinh nào có năng lực, ý thức tự giác thì sẽ học tốt. Nhưng nếu phụ huynh không kèm cặp, các em còn non thì lực học sinh bị đuối và khó theo kịp các bạn khác trong lớp.

Cô Hoàng Thị Thanh Hương– Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) có kinh nghiệm nhiều năm dạy học lớp 2. Năm học 2021-2022, khi dạy học SGK mới, cô đánh giá chương trình linh hoạt và sáng tạo khi thay đổi cách tiếp cận với môn học. Dù học sinh của trường ở vùng nông thôn nhưng nội dung kiến thức phù hợp, các em có thể vận dụng bài học và thực tế cuộc sống.

Ví dụ môn Tiếng Việt, khi mới xem qua hàm lượng kiến thức, nhiều người sẽ cho rằng có một số bài học khá nặng so với học sinh lớp 2. Tuy nhiên, khi điều chỉnh phương pháp dạy học, thì các em hào hứng. Với học sinh, qua kiến thức bài học học sinh có thể vận dụng được vào trong cuộc sống. Sau mỗi bài tập đọc, các tiết kể chuyển, các em hiểu được nội dung câu chuyện, bài học rút ra và vận dụng vào ứng xử, giao tiếp, giải quyết tình huống thực tế.

Mặc khác đối với học sinh tiểu học có đặc thù so với cấp trung học, là mỗi tiết, mỗi buổi học một chút, không dồn nhiều kiến thức vào thời gian ngắn, các em sẽ khó tiếp thu. Thay vào đó, giáo viên có thể chủ động chia bài đọc dài thành 2 phần để dạy tiếp vào buổi tiếp theo. Đồng thời có tiết luyện tập sau mỗi bài học mới.

Việc dạy học chương trình SGK lớp 2 tại Nghệ An đã đi vào ổn định, thuận lợi.


Tuy nhiên, cô Hương cũng cho rằng, để triển khai chương trình mới hiệu quả, tôi cho rằng cần bổ sung các điều kiện dạy học. Ví dụ chương trình có bổ trợ học liệu điện tử rất hay nhưng ở một số vùng khó khăn, trang thiết bị, kết nối Internet chưa đầy đủ sẽ thiệt thòi cho học sinh.

Trường Tiểu học Nghi Phú đóng tại TP Vinh, nhưng lại nằm ở ven đô và là một trong những đơn vị khó khăn trên địa bàn. So với các địa phương khác, TP Vinh có thời gian dạy học trực tiếp đối với bậc tiểu học ngắn. Sau Tết Nguyên đán, đến đầu tháng 4 học sinh mới được trở lại trường. Trong thời gian học trực tuyến, nhà trường cũng quan tâm, kết nối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức để bổ sung thiết bị cho những em khó khăn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100/600 học sinh của trường có máy tính hoặc máy tính bảng để học. Còn lại chủ yếu học qua điện thoại, điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, nhất là khối 1-2.

Cô Nguyễn Thị Hồng Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Phú cho hay, khi học trực tiếp, nhà trường sẽ rà soát kiến thức học sinh. Vừa dạy học bài mới, vừa kiểm tra, hệ thống lại kiến thức đã học cho học sinh.

Nhà trường tổ chức học tổ chuyên môn và đánh giá chương trình mới theo tiến độ năm học. Nhiều giáo viên cho rằng chương trình SGK lớp 2 có những ưu điểm về kênh hình, kênh chữ, có những kiến thức phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Đồng thời có sự thống nhất, kế thừa từ chương trình SGK lớp 1. Qua các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm, giáo viên cũng trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy để linh hoạt áp dụng đạt hiệu quả tối ưu.

Từng bước thích ứng với môn học mới

Với lớp 6, việc triển khai chương trình mới có nhiều khác biệt so với bậc tiểu học. Về phía học sinh chưa có bước làm quen trước đó như khối 2. Trong khi đó cơ cấu các bộ môn khác so với chương trình hiện hành, nên giáo viên và nhà trường cũng phải vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm.

Năm học này, cô Nguyễn Thị Xuân (GV Sinh học của Trường THCS Châu Cam, Con Cuông, Nghệ An) được phân công dạy lớp 6 theo chương trình mới, cụ thể là môn Khoa học Tự nhiên. Dù có nhiều kinh nghiệm, song thời gian đầu cô cũng gặp một số vướng mắc. “Trước đây, 3 môn Lý – Hóa – Sinh độc lập, còn nay được “tích hợp” trong một môn học là môn Khoa học tự nhiên. Trong chương trình cũ, lớp 6 chưa học môn Hóa, mà đến lớp 8 mới có. Vì vậy, nhà trường phân công tôi và 1 giáo viên khác phụ trách, trong đó tôi dạy Sinh – Hóa. Ban đầu việc bố trí tiết học, ghi bài đối với học sinh khá bỡ ngỡ, hạn chế, nhất là với trường có tỷ lệ lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số”, cô Xuân cho hay.

Để dạy học tốt chương trình SGK lớp 6, giáo viên vừa nắm bắt phương pháp theo tập huấn bồi dưỡng của ngành, vừa vận dụng phù hợp thực tế dạy học.


Sau 1 học kỳ triển khai, cô và đồng nghiệp vừa áp dụng dạy học theo tập huấn của Bộ, Sở GD&DT trước đó, vừa cụ thể hóa phương pháp, cách thức dạy học với thực tế. Việc kiểm tra đánh giá cũng phải có điều chỉnh.

Cô Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Với điểm đánh giá thường xuyên, môn Khoa học tự nhiên có bốn đầu điểm, hai giáo viên có thể cho điểm riêng rẽ. Nhưng đến các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, chúng tôi phải tính toán tỷ lệ câu hỏi trong đề, ra đề sao cho phù hợp. Việc đánh giá học sinh cũng phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Vì trong nội dung của môn KHTK, có em sẽ học tốt ở phần Hóa – Sinh hơn môn Lý hoặc ngược lại. Vì vậy, để đánh giá đúng, tạo sự công bằng cho học sinh, thì giáo viên phải phối hợp, thống nhất với nhau”.

Với môn Tiếng Anh và Tin học lớp 6, các trường vùng cao gặp nhiều khó khăn, không chỉ về đội ngũ giáo viên mà còn ở “đầu vào” của học sinh. Trường Phổ thông DTBT THCS Hữu Khuông năm học này chỉ có 1 lớp 6 với 44 học sinh. Vì vậy, nhà trường dành ưu tiên để các em được học tập đầy đủ theo chương trình. Hiện trường vẫn chưa có giáo viên Tiếng Anh, nên đang mượn tạm của trường tiểu học.

Thầy Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Từ lớp 6 năm nay, học sinh sẽ học Tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Nhưng thực tế các em chưa được học Tiếng Anh ở bậc tiểu học. Vì vậy, để theo kịp chương trình sẽ rất vất vả. Chính vì thế, nhà trường yêu cầu giáo viên Tiếng Anh ngoài chương trình chính khóa sẽ phụ đạo thêm cho học sinh. Trường vùng cao còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng giáo viên nhà trường luôn nỗ lực, cố gắng để học sinh không chịu thiệt thòi.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP