Một người dân ở phường Long Sơn, thị xã Thái Hoà cho biết: Gia đình làm 2 sào ruộng nhưng chủ yếu phụ thuộc nguồn nước nhờ trời nên năng suất bấp bênh, trong khi hệ thống Trạm bơm Vực Giồng không hoạt động nên không có nước tưới cho đồng ruộng vào mùa khô hạn.
Qua tìm hiểu được biết, Trạm bơm Vực Giồng là một trong số các trạm bơm nằm trong dự án thủy lợi Bản Mồng lấy nước từ sông Hiếu, do Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư.
Trạm bơm Vực Giồng (phường Long Sơn, Thị xã Thái Hòa. Nghệ An) xây xong từ năm 2014 nhưng chưa hoạt động. Ảnh: Hoàng Thông |
Trạm bơm này có 2 máy bơm chìm, nhà vận hành, trạm biến áp, 2 tuyến kênh chính dài gần 3 km, 4 tuyến kênh cấp 1 dài hơn 2,6 km, tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng. Theo thiết kế, trạm bơm này tưới trên 300 ha/2 vụ lúa và hoa màu thuộc phường Long Sơn. Sau hơn 10 năm xây dựng, trạm bơm này chưa được đưa vào sử dụng.
Hệ thống kênh trạm bơm Vực Giồng bị cỏ cây che kín nhiều năm qua. Ảnh: Hoàng Thông |
Cánh đồng khô khát bên hệ thống kênh Vực Giồng bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Thông |
Có mặt tại khu vực trạm bơm Vực Giồng, PV nhận thấy một số đoạn kênh chạy qua các cánh đồng, do lâu ngày không sử dụng đã bị cỏ cây bồi lấp kín, lòng kênh rêu mốc …
Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Long Sơn cho biết: Những năm qua, phường Long Sơn đã có các kiến nghị gửi cấp thẩm quyền, mong muốn trạm bơm Vực Giồng sớm đưa vào vận hành để tưới lúa và hoa màu cho nhân dân. Hiện nay, hầu hết diện tích hoa màu và lúa của dân ở khu vực này đều không có nước tưới, chủ yếu nhờ trời.
Ông Hoàng Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Phủ Quỳ, cho biết: Trong năm 2022, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Sở Nông nghiệp và PTNT đã cử đoàn công tác đến kiểm tra, cho chạy thử trạm bơm và tiến tới đang làm thủ tục để bàn giao cho Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Phủ Quỳ quản lý, vận hành.
"Hiện nay, chúng tôi đang chờ quyết định chính thức của UBND tỉnh. Sau khi được bàn giao, chúng tôi sẽ cố gắng để đưa vào vận hành, bởi đây là tài sản lớn của Nhà nước nếu để không hoạt động sẽ rất lãng phí. Đơn vị sẽ phối hợp với địa phương để tiến hành kiểm tra, rà soát lại diện tích tưới thực tế so với diện tích tưới trước đây."- ông Lâm chia sẻ.
Có thể nói rằng, một dự án trạm bơm tưới tiêu thủy lợi có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không thể hoạt động nhiều năm nay, không chỉ gây lãng phí nguồn ngân sách mà còn kéo theo hệ lụy là hàng trăm héc ta đất canh tác của người dân khó có thể canh tác được.
Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan có trách nhiệm liên quan cần nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết, tránh thiệt thòi và bức xúc cho người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn./.
Tác giả: Hoàng Thông - Phan Châu
Nguồn tin: thuonghieuvaphapluat.vn