Giáo dục

Nghệ An: Sẽ sáp nhập 7 trường Tiểu học, 11 trường THCS

Đây là một trong các nội dung được tập trung thảo luận tại cuộc họp chiều 4/12 của Ban VHXH của HĐND tỉnh về thẩm tra các dự thảo trình phiên họp HĐND tỉnh sắp tới.

Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Hoài Thu

Báo cáo tại hội nghị về việc thẩm tra dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2012 của HĐND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2012 - 2020, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị sửa đổi, bổ sung phụ lục số 01, 02 và khoản 1,2,3,4 mục II điều I Nghị quyết số 70.

Lý do cần sửa đổi, bổ sung do trong quá trình triển khai có một số nội dung bất cập và không còn phù hợp với tình hình thực tế. Dân số trong độ tuổi cấp học mầm non, tiểu học tăng nhanh; một số trường PTDT bán trú THCS chưa đủ điều kiện để thành lập theo quy hoạch…

Cụ thể, từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh đã giảm 2 trường THPT ngoài công lập; giảm 283 điểm trường lẻ, trong đó bậc mầm non giảm 130 điểm trường và tiểu học giảm 144 điểm trường và THCS giảm 9 điểm trường; tăng 2 trường THCS và phổ thông cơ sở ngoài công lập.

Đồng chí Hồ Phúc Hợp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu

Đối với loại hình trường THCS PTDT bán trú theo quy hoạch toàn tỉnh có 43 trường, hiện 31 trường đã thực hiện, 5 trường đang thực hiện. Còn lại, Sở GD&ĐT đề xuất không chuyển đổi thành trường THCS PTDT bán trú đối với 6 trường thuộc các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Con Cuông; đề nghị chuyển đổi thành trường PTDT bán trú đối với 7 trường tại các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương (5 trường) và Con Cuông.

Phát biểu tại cuộc họp, một số đại biểu đề nghị Sở GD&ĐT làm rõ thêm các nội dung liên quan việc tăng 18 trường mầm non, trong đó có các trường mầm non ngoài công lập và 2 trường phổ thông;

Cần tính toán cụ thể chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên một số trường sẽ sáp nhập; xem xét phương án cụ thể khi giải tán Trường THCS Nhân Sơn để sáp nhập với Trường THCS Mỹ Sơn;

Ngành GD-ĐT cũng được đề nghị rà soát lộ trình từng năm học thống nhất giữa các biểu cụ thể đối với các trường PTDT bán trú; xem xét đối với một số đơn vị đề xuất không sáp nhập…

Năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh còn 10 trường tiểu học và 23 trường THCS chưa thực hiện sáp nhập, tuy nhiên theo lộ trình đến năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập 7 trường tiểu học, và 11 trường THCS, số còn lại đề xuất không sáp nhập vì quy mô học sinh tăng và giao thông đi lại khó khăn.

Dạy học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Yên Thắng 2, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí Hồ Phúc Hợp cho rằng những số liệu dự thảo nghị quyết đưa ra là hợp lý; tuy nhiên đề nghị Sở GD&ĐT rà soát lại tình hình thực tiễn tại một số cơ sở cụ thể để cân nhắc việc điều chỉnh quy hoạch trường lớp nhằm đảm bảo lợi ích học tập cho học sinh; cân nhắc phương án sáp nhập các cấp học theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập...

Tại cuộc họp, các đại biểu tiếp tục thẩm định các báo cáo liên quan lĩnh vực văn hóa - xã hội, gồm: công tác xã hội hóa và triển khai mô hình trường học mới trên địa bàn tỉnh; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; việc giải quyết các kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII; giải quyết các kết luận sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4 của HĐND tỉnh và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Tác giả: Hoài Thu

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP