Từ xả thải trái phép...
Theo phản ánh, trong suốt hơn 1 năm qua, cạnh khu vực xử lý nước thải của nhà máy đường sông Con tồn tại bãi tập kết chất thải lớn. Tìm hiểu được biết, lượng chất thải trên được vận chuyển từ khu vực sản xuất của nhà máy này.
Lần theo phản ánh, chúng tôi dễ dàng tiếp cận được khu vực tập kết tro thải lộ thiên của nhà máy. Theo đó, cách vị trí cổng chính của nhà máy gần 200m, ngay cạnh khu vực xử lý nước thải là một bãi tro thải rộng cả hàng trăm m2. Điều đáng nói là tro thải được đổ tràn ra khu vực đất trống mà không hề có bất cứ một biện pháp che chắn, bảo vệ nào. Đặc biệt, khu vực tập kết nằm trên cao, lại cách sông Con một khoảng cách không xa nên việc rơi vãi, chảy tràn xuống sông là khó tránh khỏi.
Bãi tro thải được tập kết lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường |
Ông H, một người dân lo lắng: “Họ tập kết đó lâu rồi, nhiều lần trong ngày họ chở bằng xe tải ra đổ tại đó. Cứ mỗi trận mưa hoặc gió lớn là bụi bay thậm chí bị nước cuốn xuống sông Con”.
Theo thừa nhận của ông Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc nhà máy mía đường sông Con: Đó là khu vực tập kết tro thải của nhà máy từ cuối vụ năm ngoái (năm 2017 - PV). Cái này chúng tôi để trộng với chất phụ gia làm phân bón phục vụ cho nhà máy phân bón vi sinh của công ty. Lượng phân bón này được sử dụng để bón cho cây mía phục vụ sản xuất. Do nhà máy phân bón chưa hoàn thiện được công tác đánh giá tác động môi trường theo quy định nên chưa hoạt động kéo theo việc tập kết tro thải còn diễn ra…
Đến tiếp tay cho xe quá khổ, quá tải
Có mặt tại khu vực nhà máy mía đường sông Con thì tình trạng hàng loạt xe tải chở mía có dấu hiệu quá khổ, quá tải thường xuyên diễn ra. Những chiếc xe chở đầy ắp thùng, có xe còn gép thêm thành thùng để tăng khối lượng. Những chiếc xe tải này xếp hàng dài từ cổng đến tận trạm cân nhà máy, bằng mắt thường cũng có thể điểm mặt những xe tải “nhờn luật”.
Những xe tải chở mía có dấu hiệu quá khổ, quá tải nối đuôi nhau vào nhà máy mía đường sông Con |
Ông Trần Văn H, một người dân xã Kỳ Tân, cho biết: Ngày nào cũng như ngày nào, hàng chục thậm chí hàng trăm xe chở mía tập trung mọi nẻo về nhà máy mía sông Con. Thấy xe nào cũng chở đầy ắp. Người đi đường cứ thấy xe tải chở mía là tránh xa vì nhìn rất nguy hiểm.
Hoạt động của những xe tải chở mía cũng được dư luận cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống đường sá khu vực gần nhà máy mía đường. Trả lời câu hỏi của phóng viên về thực trạng xe tải chở mía có dấu hiệu quá khổ quá tải tập kết tại nhà máy, ông Hải phân trần: “Tất nhiên xe tải chở mía thì có quá khổ, vẫn có xe vượt so với quy định…” rồi đến thừa nhận: “cơ bản các xe chở mía là có vươt, tất nhiên cũng chỉ một vài tấn”.
Xe chở mía quá tải được cho là một phần nguyên nhân khiến đường sá hư hỏng, xuống cấp |
Theo tìm hiểu, trung bình mỗi ngày nhà máy mía đường sông Con tiếp nhận từ 180-200 xe chở mía, tương đương với 2700-2800 tấn mía nguyên liệu. Câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu xe tải chở mía không "dính phốt" quá khổ, quá tải bởi thừa nhận của vị Phó Giám đốc nhà máy đã quá rõ.
Những thực trạng mà dailo.vn đã phản ánh đã tồn tại trong thời gian dài. Đề nghị UBND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh, xử lý.
Tác giả: Nguyễn Văn
Nguồn tin: dailo.vn