Trong tỉnh

Nghệ An: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại địa phương

Hiện nay, môi trường nước mặt ở Nghệ An đang phải chịu tác động bởi nhiều nguồn thải như chất thải sinh hoạt, khu công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản,… Cùng với quá trình công nghiệp hóa, khai thác đất rừng chưa theo quy hoạch, sự biến đổi khí hậu đang làm nghèo dần các nguồn nước, hệ thống thủy văn bị cạn kiệt cũng như xu hướng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng.

Kênh Nhà Lê đoạn qua huyện Nghi Lộc bị ô nhiễm nặng nề

Những nguyên nhân nói trên đang làm cho chất lượng môi trường các hồ nước mặt, các nguồn nước mặt khác đang ngày càng xấu đi, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của người dân. Đã xuất hiện ô nhiễm nguồn nước với các chỉ tiêu SS, COD, BOD5, NH4+ vượt quy chuẩn cho phép. Một số nguồn nước mặt xuất hiện giá trị các kim loại nặng (As, Cd, Pb, Hg).

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt được thiết lập với 43 vị trí quan trắc trên sông hồ. Chương trình quan trắc được thực hiện định kỳ với tần suất 4 đợt/năm, quan trắc, đo đạc, phân tích từ 20 đến 23 thông số mẫu nhằm phân tích phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm.

Môi trường nước dưới đất dù chưa được thường xuyên quan trắc và đánh giá, song thực tế cho thấy nguồn nước ngầm nói chung và tại các khu dân cư tập trung có xu hướng nhiễm bẩn do chất thải sinh hoạt ngấm xuống, do ảnh hưởng của việc khai thác nước ngầm không hợp lý tại các công trình khai thác dẫn đến nguồn nước ngầm ven biển có khả năng bị nhiễm mặn.

Chất lượng nước dưới đất nhìn chung có tổng khoáng hóa nằm trong tiêu chuẩn cho phép, ngoại trừ một số điểm, tiểu vùng nhỏ có ảnh hưởng của nước mặn như Diễn Kim, Diễn Vạn, Diễn Bích (Diễn Châu), Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên,….(Quỳnh Lưu)… Hầu hết nguồn nước ngầm đều có thành phần sắt vượt mức cho phép…

Môi trường nước thải cũng là một nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi có độ đục và độ màu rất cao, vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt các chỉ tiêu BOD, COD.

Nước thải từ các bệnh viện chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt yêu cầu có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Đây là loại nước thải được liệt vào danh mục chất thải đặc biệt nguy hại bởi các chất hoá học và các chế phẩm phát sinh từ hoạt động khám, chữa bệnh, nước thải sinh hoạt của cán bộ công nhân viên và bệnh nhân, nước phục vụ ăn uống, nước rửa sàn, nước rửa dụng cụ y tế… Thành phần các chất ô nhiễm chủ yếu bao gồm: COD, BOD, hàm lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng nitơ, phốt pho, hóa chất sử dụng trong xét nghiệm y tế, chất kháng sinh… Đặc biệt nước thải bệnh viện chứa vô số các loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác.

Trong thành phần của nước thải sinh hoạt có chứa các hợp chất ô nhiễm rất đặc trưng và điển hình BOD, Coliform cao. Dòng này chứa chủ yếu các chất cặn bã, chất rắn lơ lửng, các chất hữu cơ, dầu mỡ, vi sinh vật gây bệnh, khi đi vào môi trường nước mặt sẽ gây ra các tác động chủ yếu: Nước thải sinh hoạt đi vào nguồn tiếp nhận gây cạn kiệt nguồn oxy của nguồn nước tại vị trí xả, ảnh hưởng đến thuỷ vực và hệ sinh thái khu vực. Trong nước thải sinh hoạt có chứa một lượng chất rắn lơ lửng làm cho các nguồn sông suối nhận nước thải bị bồi lắng.

Nước là một tài nguyên vô cùng quan trọng và quý giá không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Vì vậy bảo vệ tài nguyên nước, khai thác sử dụng nguồn nước hiệu quả, tiết kiệm là trách nhiệm của toàn xã hội mà mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chúng ta cùng chung tay góp sức vì một tương lai về tài nguyên nước bền vững.

Trước những thách thức suy giảm chất lượng cũng như trữ lượng tài nguyên nước, để quản lý, phân bổ nguồn nước bảo đảm cân đối, hợp lý, bảo vệ tài nguyên nước không bị ô nhiễm, cạn kiệt rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và sự chung tay của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Tác giả: Kế Hùng

Nguồn tin: moitruong.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP