Ở Nghệ An, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học được triển khai từ năm học 1995-1996. Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1517 hướng dẫn việc thực hiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và được ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo theo nguyên tắc: Tự nguyện tham gia học và đóng góp kinh phí, tự thỏa thuận về mức đóng góp.
Thực tế cho thấy, học sinh học buổi thứ 2 không bị dồn kiến thức trong 1 buổi, được học thêm các môn: Ngoại ngữ, Tin học, tham gia hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và phần nào khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm. Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 98,8% số học sinh học 2 buổi/ngày.
Cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: baonghean.vn |
Theo thống kê, tại Nghệ An ở các năm học trước, số học sinh học 2 buổi/ngày bằng đóng góp xã hội hóa là khoảng 224.559 em/249.150 em. Tổng kinh phí huy động từ nguồn đóng góp của phụ huynh là 134,8 tỷ đồng. Kinh phí thu được bảo đảm chi trả mức lương tối thiểu cho giáo viên dạy tăng tiết, giáo viên hợp đồng dạy Ngoại ngữ, Tin học…
Tuy nhiên, bất cập hiện nay trong quá trình thực hiện đó là số giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh chỉ mới bố trí được 1,3 giáo viên/lớp (trong khi quy định là 1,5 giáo viên/lớp). Bên cạnh đó, việc thu tiền nộp buổi học thứ 2, nhiều nơi chưa nhận được sự đồng tình của phụ huynh.
Cũng bởi những lý do này nên đầu năm học này, UBND tỉnh đã chỉ đạo “tạm dừng” việc thực hiện Quyết định số 1517 ban hành từ năm 2015 và chưa ban hành hướng dẫn thay thế. Chính vì vậy, dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 1 tháng nhưng các trường chưa thể triển khai thu tiền dạy học buổi thứ 2, nhiều trường rơi vào tình trạng phải nợ lương giáo viên. Một số huyện, hàng chục giáo viên hợp đồng buộc phải nghỉ dạy vì không có lương chi trả...
Đã bước qua một tháng học tập của năm học 2018-2019, việc tổ chức ăn trưa bán trú học buổi chiều, mọi hoạt động khác của cô và trò Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1, thành phố Vinh vẫn diễn ra bình thường.
Cô Nguyễn Thị Bích Hiền, giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 cho biết: Học 2 buổi/ngày rất thuận lợi cho phụ huynh và học sinh, tạo điều kiện để nhà trường tổ chức các tiết học ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai đang gặp khó khăn do thiếu giáo viên.
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 có 1.200 học sinh, tăng 2 lớp so với năm học trước. Nếu tính theo quy định 1,5 giáo viên/ lớp, nhà trường đang thiếu 11 giáo viên. Hiện nhà trường đã hợp đồng với 5 giáo viên thỉnh giảng ở môn văn hóa bắt buộc và bố trí tất cả giáo viên phải dạy tăng thêm từ 6-7 tiết/tuần.
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 1 cho biết: Việc thiếu giáo viên ảnh hướng lớn đến chất lượng dạy và học. Trong bối cảnh số học sinh đông, gần 100% học sinh đều học bán trú, nhà trường mong muốn thành phố có cơ chế hợp đồng giáo viên thỉnh giảng hoặc bổ sung giáo viên để việc dạy học và chăm sóc học sinh được hiệu quả...
Tương tự, nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Hưng Nguyên đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, với thời lượng 35 tiết/tuần. Năm nay, việc tổ chức vẫn được duy trì nhưng số tiết đã giảm xuống 33 tiết/tuần do thiếu giáo viên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Nhà trường đang thiếu 2 giáo viên. Do giáo viên không đủ nên hầu hết giáo viên đều phải dạy tăng tiết từ 3-5 tiết/tuần, rất vất vả.
“Cũng do phải cắt giảm số tiết, nhà trường phải rút một tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp và một tiết sinh hoạt lớp. Dù đây không phải là các tiết học chính nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các lớp học và một số nội dung giáo viên phải lồng vào các tiết học khác”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai Nguyễn Văn Tuấn nói.
Trước tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ban hành văn bản số 1565/SGD&ĐT-GDTH về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày. Đáng chú ý, trong văn bản này, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường lựa chọn mô hình dạy học từ 30-33 tiết/tuần, tối đa là 33 tiết/tuần thay vì 35 tiết/tuần như trước đây.
Thực hiện theo văn bản này, năm nay, đồng loạt các trường đều giảm số tiết và chỉ ưu tiên cho những tiết học văn hóa chính như: Văn - Tiếng Việt - Ngoại ngữ... Các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, kỹ năng sống, tự ôn tập ở trên lớp đều bị rút ngắn lại.
Ông Hoàng Văn Thụ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Nguyên đề xuất: Trên cơ sở hướng dẫn hiện nay, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thực tế của phụ huynh, học sinh của mỗi trường, Phòng đã chủ động giao các trường xây dựng kế hoạch dạy 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên trên thực tế, toàn huyện vẫn còn thiếu gần 80 giáo viên Tiểu học mới đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày. Phòng đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An cần bổ sung đủ giáo viên hoặc có cơ chế để các trường được hợp đồng giáo viên ngoài biên chế.
Về nội dung này, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã xây dựng các dự thảo thay thế. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đưa ra được giải pháp cuối cùng bởi khó khăn chồng chất như giáo viên không đủ, chưa có cơ chế giáo viên hợp đồng và việc thu tiền để triển khai chưa có hướng dẫn...
Vướng mắc này cũng đang là bài toán khó cho các trường tiểu học trong những ngày đầu năm học mới bởi hiện tất cả giáo viên đang phải gồng mình làm thêm giờ, dạy quá số tiết nhưng chế độ để chi trả theo quy định đối với làm thêm giờ không có hoặc chưa có căn cứ nào để thu, chi trả...
Trong xu thế hiện nay, việc tổ chức dạy buổi thứ 2 là cần thiết, nhất là khi ngành Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị thực hiện đổi mới chương trình. Vì vậy, trước mục đích, yêu cầu đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như UBND tỉnh Nghệ An cần sớm có hướng dẫn cụ thể cho các trường, tránh tình trạng nhà trường phải nợ lương giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Tác giả: Bích Huệ (TTXVN)
Nguồn tin: Báo Tin tức