Hư hỏng nghiêm trọng
Cầu Giát - Thái Hòa là tuyến đường nhánh, có chiều dài 30km (từ Km0+500 đến Km30+500) gồm 3 ga: Quỳnh Châu, Nghĩa Thuận và Nghĩa Đàn, với 2 cung đường: Quỳnh Châu và Nghĩa Thuận. Từ tháng 6/2012 đến nay, tuyến đường nhánh này đã không tổ chức chạy tàu, do đó tình trạng vi phạm tài sản, kết cấu hạ tầng cũng như hành lang an toàn giao thông tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nhiều đoạn tuyến ray đường sắt, tà vẹt bị đất, cát, rác thải vùi lấp, hoặc bị ngập nước. Hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị điều khiển, kết cấu đường sắt hư hỏng nghiêm trọng. Tại các khu vực có đường ngang dân sinh tự mở, điểm giao cắt đường bộ đã bị đổ bê tông, thảm nhựa, mở đường dân sinh bao trùm lên ray đường sắt. Nhiều đoạn xảy ra tình trạng mất ray, tà vẹt và các kết cấu khác của đường hoặc hư hỏng nghiêm trọng.
Thực trạng tuyến nhánh đường sắt Cầu Giát - Thái Hòa đã hư hỏng nghiêm trọng, nhiều đoạn bị đổ bê tông, rải thảm nhựa như thế này |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên tuyến đường này hiện tại có 217 vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, (Quỳnh Lưu 61, Thái Hòa 156). Nguyên nhân xảy ra thực trạng trên là do tuyến đường sắt này dừng chạy tàu từ lâu (năm 2012). Mặt khác đơn vị được giao quản lý đường sắt thiếu quan tâm trong quá trình quản lý, trông coi, kiểm tra, bảo quản hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt; Thiếu sự phối hợp giữa đơn vị được giao quản lý đường sắt và chính quyền địa phương cấp huyện, xã nên tình trạng vi phạm xẩy ra tràn lan không được phát hiện và xử lý kịp thời trong thời gian dài.
Theo nhận định, hiện nay tuyến đường sắt không còn khả năng khôi phục, sử dụng gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của nhà nước. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Nghệ An đã có báo cáo số 8227/UBND-NC gửi Bộ Giao thông vận tải xin hướng chỉ đạo, khắc phục, xử lý, với các nội dung gồm: Kiểm tra đánh giá tổng thể hiện trạng tuyến đường sắt để có phương án khắc phục hoặc chấm dứt hoạt động; cắm mốc chỉ giới hành lang, giao địa phương quản lý, bảo vệ, tránh việc tái lấn chiếm…; phối hợp xử lý vi phạm, giải tỏa hành lang ATGT… làm rõ trách nhiệm để xảy ra thực trạng.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Phòng Giám sát an toàn chi nhánh đường sắt Nghệ Tĩnh Nguyễn Hữu Thường cho rằng, nguyên nhân là do lịch sử để lại, đơn vị cũng mới tiếp nhận quản lý từ đầu năm 2015, trước đó do bên Công ty Cổ phần đường sắt Nghệ Tĩnh quản lý, tất cả những vi phạm cơ bản có từ trước. Hơn nữa đường không khai thác từ lâu nên mới xảy ra nhiều hiện trạng như đã nêu. Hiện nay đơn vị đang phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Ban An toàn giao thông tỉnh, rà soát các điểm vi phạm, sau đó mới có phương án xử lý.
Yêu cầu chấn chỉnh
Sau khi có báo cáo từ UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND huyện Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa sớm thực hiện việc xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo quy định tại Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Chủ trì, tổ chức xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt theo quy định tại Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ; Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai cắm mốc ranh giới đất dành cho đường sắt và công bố công khai các mốc chỉ giới đất dành cho đường sắt.
Dù đã không hoạt động 10 năm qua, vẫn có lực lượng quản lý, thế nhưng thực tế như bị buông lỏng để rồi đường sắt tuyến này nay như phế tích. |
Cùng đó giao trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi có đường sắt đi qua thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo TTATGT đã được phân công tại Quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt....
Trước nội dung này, tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị quản lý tuyến, các sở, ngành, địa phương trên tuyến nghiêm túc thực hiện việc giải tỏa bảo đảm hành lang ATGT, xử lý các công trình, kiến trúc vi phạm, xâm phạm tới đường sắt, xử lý nghiêm hành vi tái vi phạm...
Công ty Cổ phần Thông tin - Tín hiệu đường sắt Vinh tham gia kiểm tra hiện trường trên địa bàn đơn vị quản lý, kiến nghị về báo cáo đánh giá ban đầu mức độ nguy hiểm và đề xuất giải pháp, biện pháp xử lý cụ thể đối với từng vị trí vi phạm hệ thống thông tin tín hiệu. Đề xuất biện pháp xử lý đoạn đường dây thông tin, tín hiệu đường sắt bị xâm lấn đoạn đi qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu, thị xã Thái Hòa. Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh chủ động giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền....
Trao đổi với phóng viên, Phó Ban An toàn Giao thông tỉnh Nghệ An Phan Huy Chương cho biết, về quan điểm dù không sử dụng nhưng đã giao quản lý thì phải thực hiện đúng quy định. Cần thực hiện đúng tiêu chí hợp đồng được ký kết giữa Bộ Giao thông Vận tải, Cục đường sắt Việt Nam và đơn vị quản lý sử dụng đường sắt. Việc tuyến này còn sử dụng hay không là do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Việc chấn chỉnh sẽ báo cáo về Ban An toàn Giao thông trước ngày 20/11 để tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh và Bộ Giao thông.
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn