Trong tỉnh

Nghệ An: Hệ lụy từ khai thác đá, người dân chặn xe vì ô nhiễm môi trường

Khói bụi, tiếng ồn, đường sá bị hư hỏng, xuống cấp từ quá trình khai thác, vận chuyển đá... là những gì mà người dân xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đang hằng ngày, hằng giờ phải chịu đựng.

Bức xúc vì việc các mỏ đá đang hoạt động trên địa bàn không thực hiện đúng theo cam kết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và chưa giải quyết vấn đề nhân dân phản ánh, ngày 25/4/2020, người dân ở xóm 7, xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã tập trung lập rào chắn trên đường không cho xe tải vào mỏ chở đá.

Được biết, Công ty CP vật liệu 99 và Công ty TNHH Toản Thành được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép hoạt động tại 2 mỏ đá 99 và mỏ Toản Thành. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, 2 mỏ đá này đã gây bụi, việc vận tải đá gây mất an toàn giao thông. Mặc dù, giữa người dân và 2 công ty đã làm cam kết bảo vệ môi trường nhưng các công ty không thực hiện đúng.

Người dân chặn xe chở đá vì ô nhiễm.

Theo phản ánh, nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân tại hai xã Mỹ Sơn và Trù Sơn (huyện Đô Lương – Nghệ An) luôn phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường từ tiếng ồn đến bụi bặm, bên cạnh đó là nỗi lo nứt nhà, những giấc ngủ không yên luôn thường trực.

Ông Đậu Vỹ (người dân xóm 7, xã Mỹ Sơn) cho biết: “Từ nhiều năm nay chúng tôi phải sống chung với cảnh ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Xe chạy vào mỏ chở đá từ 1h sáng cho đến 20h, toàn xe trọng tải lớn. Tiếng xe chạy rầm rầm, đá rơi vãi xuống đường và bụi bay mù mịt. Trong các cuộc họp, mọi người đã kiến nghị rất nhiều lần, thậm chí bức xúc quá người dân còn rải đá ở đường để chặn xe ra vào nhưng đành bất lực, sống chung với cảnh ô nhiễm”.

Người dân cho rằng vì ô nhiễm nên dẫn đến hiện tượng cá nuôi trong ao chết.

“Bụi từ các xe vận chuyển khiến đồ đạc trong nhà lúc nào cũng bám 1 lớp dày, ngày nào cũng phải lau, nếu ngày nào không lau thì bàn trắng như vôi. Cá nuôi dưới ao sát đường chết do ô nhiễm, máy lọc nước 3 ngày phải thay một lõi lọc”, ông Vỹ cho biết thêm.

Một người dân khác bức xúc hơn: “Ngày cũng như đêm, lúc nào chúng tôi cũng trong cảnh cửa đóng then cài. Những kẽ hở đều phải bịt kín nếu không bụi bay kín trong nhà”.

Trong các cuộc họp người dân nhiều lần yêu cầu công ty sửa lại đường nhưng cũng chỉ tạm bợ, chỗ nào hỏng quá thì công ty cho chỉ đổ ít bây vào rồi lu đi, lần sau cũng vậy khiến mặt đường gồ lên thành đống cao, đi lại càng khó hơn.

Bình lọc nhà ông Vỹ 3 ngày thay 1 lõi lọc.

Ghi nhận thực tế tại mỏ đá của Công ty 99, PV chứng kiến từng đoàn xe trọng tải lớn tấp nập ra vào mỏ lấy đá. Khi PV điện thoại cho lực lượng công an giao thông huyện Đô Lương để phản ánh tình trạng nói trên và việc người dân chặn xe chở đá nhưng cả ngày hôm đó không thấy cơ quan chức năng vào cuộc.

Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Tú – Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: “Việc người dân chặn xe chở đá tôi sẽ cho Công an vào giải quyết. Hiện nay, tôi đang đi họp ở huyện”. Tuy nhiên, sau đó cũng chưa thấy lực lượng Công an vào giải quyết.

Con đường lầy lội vì xe chở đá.

Trước thực trạng trên, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, UBND huyện Đô Lương cùng các Sở, ban ngành chức năng cần vào cuộc kiểm tra việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các công ty khai thác đá. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm của các Công ty để người dân nơi đây thoát được cảnh sống trong ô nhiễm môi trường.

Tác giả: Hiền Mai

Nguồn tin: Báo Công Lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP