Gần 160 hộ dân thuộc xã Bài Sơn, huyện Đô Lương đang phải sống trong ô nhiễm nhưng Sở TNMT tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ TNMT xem xét, đồng ý chủ trương trước mắt chưa thực hiện việc di dời các hộ dân khu vực xung quanh nhà máy như đã cam kết của Công ty CP xi măng sông Lam |
Điều này đồng nghĩa với việc, tại sao một dự án có quy mô đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ở Nghệ An đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay nhưng công tác di dời, tái định cư cho người dân xã Bài Sơn, huyện Đô Lương bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường từ nhà máy xi măng sông Lam chưa được thống nhất thời gian, địa điểm rõ rang.
Bản báo cáo ĐTM có sát thực tế?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương đã được Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) từ năm 2016.
Theo đó, bản báo cáo ĐTM của dự án nhà máy xi măng Sông Lam do Bộ TNMT phê duyệt tại Quyết định số 297 ngày 04/02/2016 thì việc xác định bán kính của an toàn dân sinh được tính là khoảng cách tối đa từ dự án đến điểm rơi bụi và khí độc phát sinh trong quá trình hoạt động cũng được làm rõ.
Cụ thể, khoảng cách từ lò nung khoảng 900 m, cách hàng rào nhà máy khoảng 600 m đối với phạm vi có khu dân cư sinh sống gần nhà máy xi măng sông Lam. Vì vậy, đối tượng chịu tác động của dự án nhà máy xi măng sông Lam được duyệt tại Quyết định 297 nói trên chỉ có 32 hộ nằm trong bán kính an toàn dân sinh, bao gồm 20 hộ nằm ở phần diện tích mở rộng, 12 hộ nằm trong bán kính tác động do bụi, khí gây ô nhiễm phát sinh trong quá trình hoạt động của dự án.
Vậy nhưng, trong quá trình vận hành, đưa vào hoạt động, chính quyền địa phương đã ghi nhận được con số người dân phản ánh về tình trạng phải sống trong ô nhiễm, bụi bặm vượt qua con số 32 hộ như Quyết định 297 của Bộ TNMT.
Chính vì vậy, đến tháng 3/2018, UBND huyện Đô Lương đã sà soát các hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi ảnh hưởng thì có đến 158 hộ với 136 thửa đất của xóm Đô Sơn và xóm Xuân Sơn của xã Bài Sơn nằm cách hàng rào nhà máy xi măng từ 0 m đến 600 m để tổng hợp, kiến nghị gửi Sở TNMT tỉnh Nghệ An có phương án xem xét, xử lý.
Ngày 3/4/2018, Sở TNMT tỉnh Nghệ An đã gửi công văn 1629 (kèm theo danh sách các hộ và thửa đất nằm trong vùng ảnh hưởng do huyện Đô Lương sà soát trước đó) xin ý kiến của Bộ TNMT để di dời các hộ dân này ra khỏi vùng bị ảnh hưởng bởi nhà máy xi măng sông Lam.
Chờ mãi không thấy phản hồi từ Bộ TNMT, đến ngày 23/5/2018, Sở TNMT tỉnh Nghệ An tiếp tục gửi công văn 2758 để xin ý kiến chỉ đạo đối với khoảng cách và số hộ dân cần thiết phải di dời do tác động môi trường của nhà máy.
Người dân khổ vì cơ quan chức năng “tiền hậu bất nhất”
Qua nhiều lần ban hành văn bản lên – xuống giữa Bộ TNMT và UBND tỉnh Nghệ An, đến nay, số phận hàng trăm hộ dân phải sống cạnh nhà máy xi măng sông Lam lại tiếp tục bị cơ quan chức năng “đẩy đưa” khi chưa thể thống nhất được phương án cuối cùng.
Đáng quan tâm là trong khi sinh mạng hàng trăm hộ dân đang hàng ngày phải sống trong ô nhiễm từ nhà máy xi măng sông Lam chưa được giải quyết bằng việc di dời, tái định cư đến nơi ở mới thì Sở TNMT tỉnh Nghệ An lại có công văn kiến nghị dừng di dời?!
Cụ thể, ngày 02/3/2020, Sở TNMT tỉnh Nghệ An đã ban hàng công văn số 860/STNMT-BVMT về việc di dời các hộ dân liên quan đến Nhà máy xi măng sông Lam gửi Bộ TNMT.
Nội dung công văn 860 có nêu: Theo báo cáo của Công ty CP xi măng sông Lam, UBND huyện Đô Lương và UBND xã Bài Sơn thì không thể xác định được 12 hộ dân phải di dời theo báo cáo ĐTM được phê duyệt; đồng thời số hộ dân được xác định qua bản đồ địa chính đối với bán kính 600m tính từ hàng rào là 158 hộ, đối với bán kính 900m tính từ ống khói là 157 hộ. Do đó, Sở TNMT tỉnh Nghệ An không đủ cơ sở hướng dẫn Công ty CP xi măng sông Lam, UBND huyện Đô Lương, UBND xã Bài Sơn thực hiện di dời tái định cư cho các hộ theo chỉ đạo của Bộ TNMT.
Qua đó, Sở TNMT tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ TNMT xem xét, đồng ý chủ trương trước mắt chưa thực hiện việc di dời các hộ dân khu vực xung quanh nhà máy như đã cam kết của Công ty CP xi măng sông Lam mà chỉ hướng dẫn Công ty CP xi măng sông Lam, UBND huyện Đô Lương, UBND xã Bài Sơn thực hiện theo mục 2, Thông báo số 14/TB-BTNMT, ngày 24/02/2020 của Bộ TNMT (…Trên cơ sở thực trạng công nghệ sản xuất, bảo vệ môi trường của giai đoạn 1, dự kiến giai đoạn 2, thực hiện đánh giá tác động tổng thể từ hoạt động của hai giai đoạn đến môi trường, trong đó đặc biệt làm rõ mức độ tác động từ hoạt động sản xuất của nhà máy xi măng sông Lam đến khu vực dân cư xung quanh theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 để Bộ TNMT xem xét, phê duyệt theo quy định). Kết quả phê duyệt của Bộ TNMT sẽ là cơ sở để thực hiện việc di dời tái định cư cho các hộ dân bị tác động xấu theo quy định của pháp luật.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, số phận của gần 160 hộ dân thuộc xã Bài Sơn, huyện Đô Lương vẫn đang chịu cảnh “đi không được, ở không xong” khi hàng ngày vẫn phải sống chung với ô nhiễm từ nhà máy xi măng sông Lam chỉ vì cách làm “tiền hậu bất nhất” từ các cơ quan chức năng.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp