Dường như dư luận quá quen với lý do xe quá tải phá nát đường. Cứ mỗi công trình đường giao thông trên đất nước được thông xe, xe chạy được dăm bữa nửa tháng thì đường đã hỏng. Khi dư luận lên tiếng, chủ đầu tư và cả đơn vị thi công đều đồng thanh với điệp khúc “do xe quá tải”.
Tuyến đường N5, được xem là một trong những tuyến đường giao thông huyết mạch với ý nghĩa hết sức lớn trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Nghệ An cũng "chung số phận"
Khi tuyến đường này vừa thông kỹ thuật vào tháng 4 vừa qua, lời của ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh này dõng dạc, khoan thai khi nói về con đường chiến lược dường như chưa nguôi, khiến người dân vô cùng phấn khởi. Nhưng hiện tại người dân lại phải ngao ngán nhìn thảm cảnh mưa trôi mương nước, mặt đường bong tróc, sụt lún…hư hỏng nghiêm trọng. Ai cũng phải lắc đầu mà “ngậm ngùi”.
Mặt đường sụt lún, hỏng nghiêm trọng do mạch nước ngầm đã đành, liệu mương thoát nước cùng vừa hoàn thành đã bị thế này sau trận mưa liệu có phải cũng do nước gây ra? |
Mới đây, sau những lên tiếng mạnh mẽ từ báo chí, chủ đầu tư là Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam (KKTĐN Nghệ An) đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Nghệ An về lý do đường hỏng. Và tất nhiên, điệp khúc do xe quá tải lại được họ sử dụng triệt để.
Chúng tôi xin điểm qua những “nguyên nhân toàn khách quan” do chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh Nghệ An để dư luận nắm rõ, “hiểu và chia sẻ”. Đó là nội dung trong báo cáo số 13/BC-KTXD ngày 6/7, do ông Lê Đình Quang – Phó giám đốc Ban quản lý các dự án công trình xây dựng kết cấu hạ tầng khu KKTĐN Nghệ An ký. Nêu rõ mấy nguyên nhân cơ bản khiến đường nghìn tỷ vốn ngân sách vừa thông xe đã nát như sau:
Tuyến đường chưa thi công xong theo thiết kế đã phải đưa vào sử dụng vì phải khai thác sử dụng phục vụ vận chuyển của Cty CP Xi măng Sông Lam và các phương tiện khác trong vùng.
Do đó, hỏng vì những nguyên nhân, gồm: Chưa thi công lớp mặt bê tông nhựa Polime nên cường độ mặt đường chưa đạt yêu cầu theo thiết kế; Xe tải nặng lưu thông với lưu lượng lớn trên tuyến đường nhưng chưa có trạm cân để kiểm soát tải trọng; Quá trình thiết kế chưa đánh giá được mực nước ngầm (do quá trình khoan địa chất chỉ với độ sâu 6 mét mục đích là đánh giá chất lượng nền đường)
Vừa mới đưa vào sử dụng chưa được ba tháng, con đường vốn ngân sách hàng nghìn tỷ đã hư hỏng, được chắp vá như "tổ đỉa". |
Qua kiểm tra, đánh giá xuất hiện mạch nước ngầm tại độ sâu khoảng 1 mét làm yếu nền đường và hỏng lớp cấp phối đá dăm khiến mặt đường bị rạn nứt, hỏng trong quá trình xe chạy. Mặt khác do tuyến đường mới thi công ½ tuyến phía trái nên việc thi công để cắt hạ mực nước ngầm là chưa làm được.
Theo báo cáo này thì “tội đồ” gây hỏng đường nghìn tỷ này một phần là do xe quá tải của Cty Xi măng Sông Lam. Nghĩa là, thời gian qua, Cty Xi măng bất chấp pháp luật, cho xe chạy quá tải (!?). Đường này là ngân sách nhà nước, được đầu tư để phát triển kinh tế chung của nhân dân, đâu phải đường chỉ để phục vụ cho Cty xi măng Sông Lam chở quá quy định để phá nát đường?
Chẳng lẽ một doanh nghiệp lớn lại bất chấp luật để rồi gây ảnh hưởng chung tới người dân địa phương? Câu hỏi này rất mong Cty xi măng Sông Lam lên tiếng kẻo “bị oan”, cũng như để người dân hiểu được “nỗi lòng” của doanh nghiệp!
Nguyên nhân thứ hai được nhắc tới đó là do mạch nước ngầm, nói về nguyên nhân này, một chuyên gia ngành xây dựng tại Nghệ An nêu quan điểm như sau: Nếu đường vừa làm xong đã hỏng như vậy, họ cho rằng là do mạch nước ngầm thì cần phải xem lại trách nhiệm đơn vị khảo sát, thiết kế. Một tuyến đường được rót vốn ngân sách hàng nghìn tỷ như vậy, đơn vị khảo sát, thiết kế chẳng lẽ để mắc lỗi quá tầm thường đó. Tôi nghĩ không đơn giản vậy.
Con đường hàng trăm triệu còn ít phải rơi vào cảnh do khảo sát, thiết kế. Huống hồ con đường vốn ngân sách, được cả hội đồng chuyên môn nhà nước thực hiện, kiểm định rồi mới cho phê duyệt thiết kế để thi công. Với lại từ xưa tới nay thì cũng chưa gặp trường hợp nào là do lỗi khảo sát, thiết kế. Trường hợp này, nếu khảo sát thiết kế không có lỗi thì phải xem trách nhiệm đơn vị giám sát, đơn vị thi công.
“Theo tôi, cần cơ quan chức năng chuyên môn vào thẩm định thì biết rõ là lỗi do phần nào. Kiểm tra chất lượng công trình là biết rõ tuốt, đỡ phải đổ lỗi chung chung, cũng như đổ lỗi cho nhau để hết chuyện, hòa cả làng như vậy.” – Vị chuyên gia xây dựng này nhấn mạnh.
Đây là báo cáo những nguyên nhân hết sức "khách quan" do BQL KKT Đông Nam gửi UBND tỉnh Nghệ An về cái gọi là "sự cố" đường nghìn tỷ vốn ngân sách vừa đưa vào thông xe đã nát. |
Chia sẻ kinh nghiệm về việc hỏng hóc trước thực tại tuyến đường N5 này, vị chuyên gia này cho biết thêm, có thể do quá trình thi công đổ đất nền không đúng tiêu chuẩn, không đúng loại đất được duyệt. Thứ nữa, quá trình lu nền, có thể đã không thực hiện đúng theo thiết kế, theo quy trình nêu ở thiết kế. Nhiều khi cứ đổ lên cả mét mới lu thì làm sao nền đường chắc được.
Đó là nói về hư hỏng phần bề mặt đường, còn báo cáo này của BQL KKTĐN Nghệ An cũng chưa thấy nhắc tới phần mương nước mới mưa vài trận đã theo mưa mà trôi. Họ lại cho rằng, phần mương hỏng là phần do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư, nên họ không biết.
Theo một cán bộ thuộc Ban xây dựng KKTĐN Nghệ An cho biết, tuyến xảy ra hư hỏng trực tiếp có hai nhà thầu lớn thi công, gồm: Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Minh Tuấn (Thanh Hóa) và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình).
Còn câu chuyện này, khi PV trao đổi với chủ đầu tư Sở GTVT Nghệ An thì được lãnh đạo Sở này cho rằng phần mương là Khu kinh tế làm, Sở GTVT thi công không phần mương nước. Nói về hư hỏng, vị lãnh đạo này cũng thừa nhận đoạn Khu kinh tế Đông Nam làm kém.
“Đường đang thi công, chưa bàn giao, vẫn đang cơ bản sử dụng vốn doanh nghiệp để làm…Hỏng hay không thì họ vẫn đang phải chịu tất cả. Nếu hỏng thì khắc phục, trừ khi đã bàn giao thì có thể mới nói đến trách nhiệm.” – ông Nguyễn Hồng Kỳ – GĐ Sở GTVT Nghệ An nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này trong các bản tin tiếp theo
Tác giả: Hoàng Phạm - PL&DS
Nguồn tin: Pháp luật & Dân sinh