Xã hội

Nghệ An đứng trước nguy cơ hạn hán diện rộng, cuộc sống bị đảo lộn

Hạn hán kéo dài, nhiều lòng hồ khô cạn, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên đã khiến đời sống người dân xáo trộn.

Thượng nguồn hồ thủy điện lớn nhất miền Trung trơ đáy

Dung tích hồ chứa thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) là hơn 1,8 tỷ m3; trong đó dung tích hữu ích từ cao trình 155 - 200 m là 1,3 tỷ m3 nước. Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, mực nước trong lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ giảm sâu.

Hạn hán kéo dài khiến lòng hồ Bản Vẽ bị trơ đáy, khiến việc đi lại của thuyền bè gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, người dân địa phương phải lội bùn, đi bộ hàng trăm mét mới đến được bến thuyền. Đặc biệt, bản Huồi Pủng (xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương) nằm cách trung tâm xã khoảng 8km có 83 hộ dân. Để ra khỏi bản, người dân Huồi Pủng vẫn thường di chuyển bằng thuyền. Song hiện nước ở hồ Bản Vẽ đã xuống quá thấp, thuyền không thể vào được bản.

Hạn hán kéo dài khiến lòng hồ Bản Vẽ bị trơ đáy.

Ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông cho biết, trước tình thế trên, địa phương huy động người dân tu sửa tuyến đường bộ ven núi đã bị lãng quên dài hơn 3km từ bản ra bến thuyền để người dân đi lại. “Chưa khi nào mực nước ở hồ Bản Vẽ lại xuống nhanh như năm nay. Nếu bình thường từ xã ra trung tâm huyện mất khoảng 2 tiếng thì giờ đi phải mất 3 tiếng”, ông Giáp nói.

Ngoài ra, theo ông Giáp, mực nước ở hồ Bản Vẽ xuống thấp cũng khiến các hộ dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ này gặp nhiều khó khăn. Để tránh cá bị chết, họ buộc phải liên tục di chuyền lồng bè ra giữa lòng hồ, theo mực nước xuống.

Thuyền bè không thể di chuyển nên người dân phải lộ bùn.

Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, sau nhiều đợt xả nước để chống hạn ở vùng hạ du, nước trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã xuống mức báo động về gần mực nước chết.

Trong nửa cuối tháng 6/2023 và hết mùa khô, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng cực đoan thì hạ lưu sông Cả sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nước cấp cho hạ du và nguy cơ không đáp ứng đủ điện lên hệ thống lưới điện Quốc gia.

Trong khi đó, những năm trước Thủy điện Bản Vẽ chỉ cần xả 150 m3/giây là các trạm bơm dọc sông đều hoạt động, nhưng năm nay các nhánh chính của sông Lam, như sông Nậm Mộ, sông Hiếu… cũng hạn nặng nên Thủy điện Bản Vẽ phải tăng thêm xả 200 m3/giây thì các trạm bơm mới lấy được nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn

Ông Nguyễn Trường Thành, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, vụ Hè Thu - Mùa năm 2023 đang đứng trước nguy cơ hạn hán, khó khăn về nguồn nước tưới.

Tỉnh Nghệ An có 959 hồ, đập do địa phương quản lý, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại không còn hồ đập nào đầy nước, còn 156 hồ đập có dung tích nhỏ hơn 70% dung tích thiết kế, 765 hồ đập có dung tích đạt từ 40-70% dung tích thiết kế, 38 hồ đập có dung tích đạt từ 20-30% dung tích thiết kế.

Toàn tỉnh có 102 hồ do các đơn vị thủy nông quản lý, trong đó 5 hồ đầy nước, 25 hồ có dung tích >70 % dung tích thiết kế, 26 hồ có dung tích từ 50-70% dung tích thiết kế, 46 hồ có dung tích <50% dung tích thiết kế.

Mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp nhất từ khi vận hành.

Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino (pha nóng) có khả năng xuất hiện vào nửa cuối mùa hè 2023 với xác suất khoảng 80-85%; Trong tháng 6/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,50C so với trung bình nhiều năm; từ tháng 7 - 9/2023 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,00C so với trung bình nhiều năm, lượng dòng chảy đến hồ thủy điện Bản Vẽ có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm từ 35-38%.

“Với thực trạng nguồn nước hiện tại, mực nước hồ chứa Bản Vẽ xuống rất thấp và từ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn nói trên, việc cấp nước cho dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2023 trong những tháng giữa cuối mùa khô năm 2023 sẽ gặp khó khăn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra sớm và trên diện rộng”, ông Thành nói.

Theo kế hoạch diện tích tưới, tiêu, cấp nước vụ Hè Thu - Mùa 2023 của tỉnh Nghệ An là 109.718,5 ha, trong đó diện tích lúa 81.534,6 ha, diện tích rau màu các loại 7.812,9 ha, tạo nguồn 17.048,1 ha, nuôi trồng thủy sản 1.139,9 ha.

Biểu đồ điều tiết nước chống hạn cho hạ du trong mùa cạn. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Để khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Hè thu - Mùa năm 2023, ngành thủy lợi Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, rà soát tình hình nguồn nước; Lập phương án tưới chống hạn cho từng vùng, từng công trình và thực hiện khi hạn hán thiếu nước xảy ra; Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không đảm bảo chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất…

Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi Nghệ An sẽ phối hợp, làm việc với Công ty thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê… để đảm bảo xả lưu lượng nước đáp ứng nhu cầu dùng nước phục vụ sản xuất, dân sinh cho vùng hạ du.

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP