Trong tỉnh

Nghệ An: 'Cười ra nước mắt' chuyện xét nghiệm AND cho… bò để tìm chủ

Xét nghiệm AND cho người để xác định huyết thống không còn lạ lẫm trong cuộc sống hiện nay, nhưng xét nghiệm AND cho… bò để tìm ra chủ là câu chuyện “cười ra nước mắt” tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) trong các phiên tòa tranh chấp.

Tổ công tác nhiều thành phần cùng tham gia lấy mẫu bò để đi giám định ADN xác định huyết thống

Hệ lụy từ thả rông trâu bò trên rừng

Đặc thù huyện niềm núi Tương Dương bao quanh bởi núi rừng, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thế còn tồn tại một thói quen là thả rông trâu bò trong rừng. Có người thì hai ba ngày lên thăm một lần, có người một tháng, có khi vài tháng mới lên thăm trâu bò của mình. Có người từ lúc thả đến lúc lên thăm thì trâu bò cũng đã sinh ra được con bê con từ lúc nào không hay biết.

Cũng chính vì thế, nảy sinh ra nhiều sự việc hi hữu giữa các chủ bò với nhau khi cả hai đều nhận con bò con mới sinh ra là của mình dù không biết nó sinh ra từ khi nào. Cũng có những gia đình thả trâu bò trên rừng nhưng không quản lý được dẫn đến bị người khác bắt đi làm thịt, có con thì bị thú giữ ăn thịt, có con thì chết vì bệnh tật do không được chăm sóc…

Việc tranh chấp trâu bò cũng có những vụ mà cả hai người hàng xóm đưa nhau ra tòa, tình làng nghĩa xóm rạn nứt và thiệt hại kinh tế nhiều khi còn nhiều hơn tài sản tranh chấp. Sự việc mới đây nhất là trường hợp của gia đình bà Lương Thị Thủy (trú tại bản Na Ngân, xã Nga My, Tương Dương) cho rằng, năm 2015 gia đình bà có 4 con bò, thường chăn thả rông tại khu vực rừng Khe Sủng (bản Na Ngân). Vị trí thả bò cách nhà tầm 1-2km, cứ 2-3 ngày gia đình đến thăm và kiểm tra một lần.

Những con bò tranh chấp phải lấy mẫu mô tai xác định huyết thống qua mẫu giám định ADN

Đến tháng 9/2015, bà cho rằng con bò nhà mình ở cùng với đàn bò nhà anh Kha Văn Tuấn (trú cùng bản) nên đến đưa bò về. Tuy nhiên, anh Tuấn không đồng ý vì cho rằng con bò đó là bò của gia đình ông, thời điểm đó đã sinh thêm một con bê con, có giá trị được định giá khoảng 13 triệu đồng, con bê con khoảng 5 triệu đồng. Anh Tuấn cũng cho rằng gia đình anh có đàn bò tổng 8 con, thường chăn thả khu vực rừng Khe Pông, và cũng thường xuyên thăm kiểm tra bò.

Vụ tranh chấp sau khi hòa giải nhiều lần bất thành, con bò lại “không biết nói”, bà Thủy làm đơn khởi kiện vụ án ra tòa án để được giải quyết theo quy đình của pháp luật. Vốn là những hàng xóm thân tình nhưng vì hai con bò nên hai gia đình phải đưa nhau ra tòa để được giải quyết khiến cho mối quan hệ hai nhà trở nên căng thẳng, thậm chí còn “không nhìn mặt nhau”. Để giải quyết vụ tranh chấp này, Tòa án nhân dân huyện Tương Dương đã phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm mô của ba con bò để xác định được huyết thống con bò tranh chấp thuộc về ai.

Tranh chấp nảy lửa, xét nghiệm AND bò để giải quyết

Một tổ gồm cán bộ tòa án, công an huyện, kiểm sát viên, công an xã, phó chủ tịch xã, cán bộ thú y huyện, cán bộ nông nghiệp huyện, cán bộ tư pháp xã cùng trưởng bản và các bên tiến hành lấy mẫu mô tai ba con bò để giám định AND. Theo quy định, ba chiếc kéo sẽ cắt ba phần mô tai ba con bò của nguyên đơn, bị đơn và con bò tranh chấp niêm phong cẩn thận, gửi ra Viện chăn nuôi để xét nghiệm. Nếu ai là người thua kiện trong vụ án tranh chấp sẽ là người chịu tiền xét nghiệm AND và tiền án phí.

Sau hơn 1 tháng, kết quả xác định con bò đang tranh chấp không có huyết thống với con bò của gia đình bà Thủy, tòa tuyên con bò thuộc về gia đình anh Tuấn. Tuy nhiên điều đáng nói là bà Thủy vừa không được bò, vừa mất kinh phí xét nghiệm ADN cho bò hơn 10 triệu và tiền án phí cũng “ngót ngét” ngang với giá con bò mà bà cho là của mình.

Hay như trường hợp của gia đình ông Vang Văn Dũng (trú tại bản Cánh Tráp, xã Tam Thải, Tương Dương) có đơn gửi tòa án đề nghị giải quyết vụ tranh chấp bò với ông Lô Văn Xuân (trú tại bản Lũng, xã Tam Thái). Sau nhiều lần hòa giải bất thành, vụ án cũng buộc phải đưa ra xét xử theo cách xét nghiệm ADN để xác định huyết thống.

Tòa án nhân dân huyện Tương Dương nơi thụ lý các vụ tranh chấp trâu bò phải xét nghiệm mẫu ADN để giải quyết

Kết quả, ông Dũng thua kiện, phải chịu chi phí xét nghiệm ADN hơn 10 triệu đồng cùng với tiền án phí. Ông Hoàng Văn Cường, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Tương Dương, người thường được phân công trong việc giải quyết các vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản (bò) tại địa phương. Ông Cường chia sẻ, các vụ tranh chấp bò thì người dân tức nhau nên mới đưa nhau ra tòa chứ tài sản tranh chấp đôi khi còn có giá trị thấp hơn tiền phí xét nghiệm AND và tiền án phí. Để giải quyết một vụ tranh chấp bò rất mất thời gian và công sức, dù đã tuyên truyền vận động bà con nên hòa giải với nhau nhưng nhiều người vẫn không đồng ý.

Theo ông Moong Công Hải – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Tương Dương thì các vụ tranh chấp tài sản là bò trên địa bàn rất nhiều do tập quán chăn thả rông trên rừng. Thường thì các vụ án được hòa giải thành công, các bên không có khiếu nại gì. Nhưng cũng có nhiều vụ án phải đưa ra xét xử, mà cách duy nhất là xét nghiệm AND để xác định huyết thống với đàn bò của các bên.

Trong năm 2018, tòa án nhân dân huyện Tương Dương đã thụ lý và giải quyết 8 vụ án tranh chấp sở hữu tài sản là bò bằng cách xét nghiệm ADN. Đã có 3 vụ án đã được đưa ra xét xử, còn hai vụ nữa đang chờ kết quả giám định của ngành chức năng, 2 vụ đang thụ lý giải quyết. Sau khi tòa tuyên án, các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau, chủ động thi hành án, không có khiếu nại, tranh chấp gì, chưa có vụ nào kháng cáo, cũng chưa có vụ án nào phải xử phúc thẩm.

Ông Hải nói “Đặc thù của bà con là người dân tộc thiểu số nên chăn thả trâu bò rông trong rừng, cán bộ tòa án phải học các tiếng dân tộc thiểu số để tiến hành hòa giải các vụ án. Địa hình đồi núi phức tạp, khi đi giải quyết các vụ tranh chấp trâu bò thì phải đi mất thời gian và nhiều thành phần đi cùng nên không thể trong ngày một ngày hai là xong được. Bản thân tôi có thể nói được 5 tiếng đồng bào để hòa giải các vụ án. Việc xét nghiệm AND để có cơ sở giải quyết các vụ tranh chấp là một việc bất đắc dĩ vì số tiền phí để làm xét nghiệm có khi còn nhiều hơn tài sản tranh chấp là bò”.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP