Trong tỉnh

Nghệ An: Cát tặc lộng hành gây sạt lở nhiều điểm bờ đê sông Lam

Từ nhiều năm nay, cát tặc lộng hành được xem là vấn nạn ở huyện Thanh Chương. Tình trạng khai thác rầm rộ làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh, đặc biệt là gây sạt lỡ nghiêm trọng cục bộ nhiều điểm dọc bờ đê sông Lam.

Tòa soạn Môi trường và Đô thị liên tục nhận được phản ảnh từ phía người dân về việc cát tặc ngày đêm đua nhau đục khoét tại lòng sông Lam dẫn đến nhiều điểm bờ đê sạt lỡ nghiêm trọng tại địa bàn xã Đại Đồng và xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương (Nghệ An). Sau khi hút cát ở lòng sông tập kết về các bến bãi trên địa bàn hai xã này để đưa đi tiêu thụ làm thất thoát nguồn thu về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước và đoe dọa đến tính mạng của cụm dân cư sinh sống gần bờ sông Lam.

Cát tặc lộng hành được xem là vấn nạn từ nhiều năm nay ở huyện Thanh Chương.

Phản ánh với phóng viên, ông Nguyễn Đình H bức xúc nói: “Hàng chục năm nay, ở khu vực hai xã này ngày đêm nào cũng có nạn cát tặc đua nhau khai thác cát trái phép rồi tập kết lên các bến bãi, vào khoảng từ 22h đêm là đánh tàu ra hút, mờ sáng là xe to nhỏ vào chở rầm rộ đến khoảng 07h là hết cát, cứ vậy ngày nào cũng như ngày nào chỉ trừ những ngày mưa gió. Khi phát hiện đang khai thác, chúng tôi đã gọi điện cho xã, huyện nhiều năm, nhiều lần rồi nhưng không hiểu sao có mấy anh cát tặc mà không giải quyết dứt điểm được để kéo dài năm này qua năm khác làm sạt lỡ nhiều đoạn bờ đê nghiêm trọng”

Ban đêm các tàu đua nhau hút cát như đi trẩy hội. (ảnh cắt từ video)

Ông Lưu Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: “nạn cát tặc này chủ yếu là hoạt động ngoài giờ hành chính nên việc tuần tra canh gác của lược lượng công an cũng rất khó khăn, chúng tôi sẽ tăng cường bố trí đủ các lực lượng, phương tiện để kịp thời xử lý khi phát hiện cát tặc đang hoạt động, Tới đây UBND xã sẽ kiểm tra, rà soát, đo đạc lại toàn bộ các bến bãi trên địa bàn, nếu bến bãi nào chưa đủ điều kiện theo quy định thì yêu cầu dừng hoạt động, đặc biệt là kiểm tra về nguồn gộc cát, sỏi nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Hậu quả của vấn nạn rút ruột cát sỏi lòng sông Lam suốt ngày lẫn đêm đã và đang gây hậu quả sạt lỡ cục bộ nhiều đoạn bờ đê nghiêm trọng.

Trao đổi với ông Nguyễn Hải Dương Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương về vấn nạn cát tặc đã và đang hoành hành nhiều năm trên địa bàn huyện gây sạt lỡ nhiều điểm bờ đề nghiêm trọng ông Dương cho biết: “ Việc vấn nạn khai thác cát sỏi trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm trên địa bàn là có, về vấn đề này Ban thường trực Huyện ủy cũng đã họp và giao cho Công an cùng các phòng ban liên quan kiểm tra, tuần tra để xử lý nghiêm, triệt để vấn nạn này. Tới đây UBND huyện sẽ tổng kiểm tra tất cả các bến bãi, mỏ trên địa bàn toàn huyện, nếu bến mỏ nào không thực hiện đúng theo quy định sẽ đình chỉ hoạt động và giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương phải có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn để dần từng bước ổn định, quy cũ về công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên toàn địa bàn huyện”

Chính quyền sở tại bất lực, cơ quan chức năng vắng bóng, cát tặc ngang nhiên tung hoành như đang thách thức pháp luật. (ảnh cắt từ video về nạn khai thác vào ban đêm tại khu vực xã Đại Đồng)

Hậu quả của vấn nạn rút ruột cát sỏi lòng sông Lam suốt ngày lẫn đêm đã và đang gây hậu quả sạt lỡ cục bộ nhiều đoạn bờ đê nghiêm trọng, nhất là các điểm bị cát tặc khai thác. Mặc dù, từ nhiều năm nay UBND tỉnh, huyện cũng đã đầu tư, xây dựng nhiều tuyến đê nhằm chống sạt lỡ. kèm theo đó là ban hành nhiều văn bản về tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở ở hai dọc bờ đê sông Lam. Đáng lo ngại, sự cố sạt lở này có xu hướng phát triển, uy hiếp đến ổn định bờ sông cũng như đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực...

Theo tìm hiểu của phóng viên thì cuộc chiến chống nạn cát tặc tại hai địa phương này đang gặp nhiều khó khăn chính là sự bất cập, chồng chéo về việc cấp phép bến bãi, mỏ cho các doanh nghiệp; Hiện tại như xã Đại Đồng hiện có đến 04 bến bãi tập kết thì lại không có mỏ, theo quy hoạch thì phải lấy cát từ mỏ của đơn vị khác cách xa hàng chục km, như vậy sẽ làm khó khăn cho doanh nghiệp nếu phải thực hiện đúng quy định. Ngược lại doanh nghiệp được cấp mỏ thì lại chưa được cấp bến bãi. Từ đó gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm tra cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là khó chứng minh nguồn gốc lượng cát sỏi tập kết tại bến bãi. Vì họ chỉ cần mua một khối lượng nhỏ cát có hóa đơn của mỏ khác về thì đương nhiên khi đến kiểm tra đều có tính hợp pháp, nhưng trong thực tế hàng ngày họ đã bán gấp nhiều lần lượng cát trong hóa đơn.

Để xử lý nạn cát tặc một cách triệt để phải cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy chính quyền tại nơi xẩy ra khai thác phải bám sát, kiên quyết trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phải gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, có như vậy thì tài nguyên mới được bảo vệ, Nhà nước mới có nguồn thu, ngân sách Nhà nước không bị thất thoát.

Tác giả: VĂN PHÚ - VINH QUANG

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP