Trong tỉnh

Nghệ An: Án đã tuyên, vì sao nhiều cán bộ vẫn chưa bị xử lý kỷ luật?

TAND tỉnh Nghệ An xét xử 10 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau hơn 1 năm điều tra, ngày 28/5 và 02/6/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa hình sự, xét xử sơ thẩm 10 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Án đã tuyên hơn 2 tháng, nhưng những “cán bộ”, nhân viên có hành vi tiếp tay cho các bị cáo rút ruột hơn 5 tỷ đồng nêu trên vẫn chưa bị xử lý kỷ luật. Vì sao vậy?

Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành- nơi xảy ra vụ án lập hồ sơ giả, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng tiền ngân sách.

Lòng tham trỗi dậy…

Nội dung bản án sơ thẩm nêu rõ: Năm 2003 Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành được UBND tỉnh Nghệ An giao 3.465ha đất rừng, trong đó có rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định thu hồi 1.668,4778ha để giao cho Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thuê để thực hiện dự án trồng cao su.

Năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định chuyển số diện tích thu hồi trên cho Công ty CP Thực phẩm TH thuê để triển khai dự án chăn nuôi bò sữa…

Ngày 25/7/2012 UBND huyện Yên Thành ban hành quyết định thành lập Hội đồng Bồi thường GPMT dự án. Năm 2014, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMT) được phê duyệt.

Lợi dụng kẻ hở trong quản lý đất đai, những người có thẩm quyền ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành gồm: Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban, Kế toán trưởng, 1 Trưởng phòng, 1 Trạm trưởng, 2 Phó Trưởng phòng, 2 nhân viên cả Thủ quỹ và Kế toán, đã lập 4 bộ hồ sơ giả đứng tên 639,745,5m2 là phần diện tích của Ban này quản lý để nhận hơn 5 tỷ đồng chia nhau.

Những người đứng tên nhận tiền gồm: Bị cáo Phan Tiến Sỹ (trưởng Ban, nhận 230,468 triệu đồng), Nguyễn Thị Trâm (Thủ quỹ, nhận hơn 1,2 tỷ đồng), Phan Thị Vịnh (kế toán, nhận hơn 582 triệu đồng) và Hồ Đình Lai (Trạm trưởng, nhận gần 3 tỷ đồng).

Sau khi nhận số tiền trên, bị cáo Trâm, Vịnh, Lai phải nộp lại cho phòng Kế toán (không đưa vào sổ sách hạch toán) Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành để sau đó chia nhau.

Năm 2019, mặc dù bị khởi tố, bị hầu tra, nhưng một số bị cáo vẫn được khen thưởng vì “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cụ thể: Bị cáo Phan Tiến Sỹ được chia thêm 437,4 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Thọ Huy (Phó Trưởng Ban) được chia 383,4 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Thọ Vinh (Kế toán trưởng) được chia 369,4 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Văn Thanh (Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật) được chia 336,18 triệu đồng, bị cáo Ngô Sỹ Lợi (Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật) được chia 53,1 triệu đồng, bị cáo Hồ Đình Lai (Trạm trưởng) được chia lại 48,1 triệu đồng, bị cáo Nguyễn Thị Trâm (Thủ quỹ) được chia lại 45,1 triệu đồng, bị cáo Phan Thị Vịnh (Kế toán viên) được chia lại 39,3 triệu đồng.

Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT và Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An khẳng định: Ông Nguyễn Ngọc Ánh (lúc đó là Phó Trưởng ban, nay là Trưởng ban) cũng đã nhận 356,3 triệu đồng vào các ngày: 04/02/2016, 17/02/2016, 23/02/2016, 03/12/2016, 06/12/2016 và một số ngày khác.

Ông Hoàng Đình Tuấn (Trưởng phòng Tổ chức) cũng đã nhận nhiều lần với tổng cộng 181,1 triệu đồng trong số tiền gian dối trên.

Bản án đang bị xem nhẹ?

Trong quá trình điều tra, truy tố, 8 bị cáo ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành (Sỹ, Huy, Thanh, Vinh, Lai, Lợi, Trâm, Vịnh) đã nộp lại số tiền đã nhân là 1,9425 tỷ đồng, kèm theo số tiền khắc phục hậu quả là 1,18 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, ông Hoàng Đình Tuấn và một số người khác ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành cũng phải nộp lại số tiền phi pháp đã nhận là 1,336 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Đức Thiện và Phan Văn Minh (nguyên Trưởng và Phó phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Thành) bị kết tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” cũng đã phải nộp 270 triệu đồng là tiền khắc phục hậu quả liên quan đến vụ án.

Trang 12 và 13 bản án hình sự sơ thẩm hình sự số 67/2020/HSST ngày 02/6/2020 nêu rõ ông Ánh và ông Tuấn đều nhận hang tram triệu đồng từ nguồn tiền gian lận trên.

Tổng số tiền các bị cáo nộp lại và cả tiền khắc phục hậu quả mới thu được là 3,393 tỷ đồng. Truy thu thêm số tiền của ông Ánh, ông Tuấn và một số cán bộ, nhân viên của Ban quản lý Rừng phòng hộ nộp lại, mới chỉ thu được 4,729 tỷ đồng trong tổng số hơn 5,009 tỷ đồng mà các bị cáo định chiếm đoạt ban đầu.

Còn hơn 1,731 tỷ đồng, được các bị cáo giải thích là “làm nhà cầu lông và mua ti vi” cho đơn vị này nhưng thực tế có đúng như vậy hay không, nhưng HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận.

Theo nội dung bản án, 8 bị cáo là cán bộ, nhân viên Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành liên quan đến hành vi lập 4 bộ hồ sơ giả để chiếm đoạt 5,009 tỷ đồng, được diễn ra “đúng quy trình” vời thời gian dài.

Là Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành, ông Nguyễn Ngọc Ánh không thể không biết. Mặt khác, ông Ánh đã nhận 356,3 triệu đồng từ nguồn tiền trên nhiều lần.

Vậy tại sao ông Ánh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị đề nghị xử lý hành chính? Ông Hoàng Đình Tuấn, là Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính đã kịp trao quyền Trưởng phòng cho con trai là ông Hoàng Đình Khánh để… hạ cánh an toàn.

Vụ án bị khởi tố, bị can Nguyễn Đức Thiện chỉ bị Chủ tịch UBND huyện Yên Thành điều động từ Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường sang phòng Tư pháp một thời gian và hạ xuống chức Phó Trưởng phòng, nay vẫn làm việc bình thường.

Bị cáo Phan Văn Minh cho đến vẫn giữ yên vị trí Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường như chưa hề có sai phạm xảy ra.

Các bị cáo ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành lại được “khen thưởng” vì… hoành thành tốt nhiệm vụ năm 2019 như Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Thọ Vinh, Hồ Đình Lai, Nguyễn Thọ Huy, Ngô Sỹ Lợi, Phan Thị Vịnh, Nguyễn Thị Trâm (!?).

Bị cáo Phan Thị Vinh và bị cáo Nguyễn Thị Trâm vẫn đảm nhận công việc Kế toán viên và Thủ quỹ như chưa hề vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Ngọc Ánh vẫn chưa bị kỷ luật như đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An được nêu trong bản án.

Điều đáng lo ngại đang xảy ra tại Ban quản lý Rừng phòng hộ hiện nay là, theo phản ánh của bà N.T.L, bà N.T.T và bà VT.T với phóng viên, lẽ ra, sau khi vụ việc bị phát hiện, bị khởi tố, ông Nguyễn Ngọc Ánh - Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ phải biết “ăn năn”, động viên đơn vị này vượt qua “cú sốc”, thì ngược lại, giảm lương, giảm ngày công làm việc của người lao động.

Ông Ánh điều động lao động không theo chuyên môn được đào tạo mà theo ý đồ cá nhân. Một số lao động nữ, do con dưới 12 tháng tuổi phải đi xa, lương quá thấp, đã phải xin nghỉ việc.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Lan đang là cán bộ tham mưu văn bản, do phản đối những việc làm khuất tất, không đúng quy định pháp luật của ông Anh năm 2019, nay đã bị điều động vào rừng (cách nhà 20km) để… chỉ đạo sản xuất.

Lúng túng hay bao che?

Đề cập đến việc chậm xử lý kỷ luật về đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh, ông Nguyễn Viết Hưng- Bí thư huyện ủy Yên Thành cho rằng: “Vì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý con người của Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành chưa kỷ luật ông Ánh về mặt chính quyền nên Huyện ủy Yên Thành chưa có cơ sở để xử lý kỷ luật về Đảng”.

Trao đổi về ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Sơn- Trưởng phòng Tổ chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: “Chúng tôi vừa nhận được bản án do các bị cáo cung cấp chứ không phải do Tòa án nhân dân tỉnh hay Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh gửi đến nên sẽ xem xét kỷ luật thế nào cho đúng quy định pháp luật”.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp, mặc dù cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can nhưng sau quá trình xác minh, đã có dấu hiệu phạm tội, cơ quan quản lý cán bộ, nhân viên đó đã phải chủ động tạm đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng để phục vụ công tác điều tra, đồng thời ngăn chặn những việc tạm gây hậu quả xấu khác.

Trường hợp sai phạm của một số cán bộ ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Yên Thành đã được các cơ quan tiến hành tố tụng nêu rõ hành vi bằng kết luận điều tra, bằng cáo trạng và bản án, việc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An kéo dài biện pháp ngăn chặn, đã và đang xảy ra những kết cục buồn ngay ở đơn vị này.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tác giả: Trần Cường

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP