Trong tỉnh

Nghệ An: Ai tiếp tay để “chủ chợ” lộng hành?

Ai đã tiếp tay cho “chủ chợ” Chiều, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An lộng hành, đánh đập tiểu thương, biến nhà xe thành nơi kinh doanh và thu phí “bảo kê” buôn bán giữa lòng đường, vỉa hè?

Tháng 4, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tùng (SN 1971), trú tại xóm 5, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, được UBND thị trấn Dùng cho thuê ki ốt số 1, khu vực nhà xe chợ Chiều (thuộc khối 9), để kinh doanh trong thời hạn 3 năm. Cùng thời điểm này, UBND thị trấn Dùng cũng ký hợp đồng nhận thầu, quản lý, khai thác chợ Chiều với ông Lê Văn Thắng, trú tại khối 14. Theo hợp đồng, mỗi tháng ông Thắng phải đóng cho UBND thị trấn Dùng số tiền 27,3 triệu đồng.

Hợp đồng giao kết giữa UBND thị trấn Dùng với ông Lê Văn Thắng có nội dung: “Không cho tiểu thương bày bán các mặt hàng trong nhà để xe (trừ 5 ki ốt đã đấu thầu). Không được thu tiền tiểu thương bày bán các mặt hàng và trông giữ xe trên hành lang đường bộ, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông”.

Ông Lê Văn Thắng đi thu tiền chợ của tiểu thương kinh doanh giữa lòng đường.

Tuy nhiên, sau khi "thâu tóm" được chợ Chiều trong tay, ông Thắng đã biến nhà để xe thành nơi kinh doanh, tự đặt ra mức phí vệ sinh môi trường cao hơn quy định...

Theo một tiểu thương đang bán hàng tại nhà xe chợ Chiều cho hay, muốn mưu sinh ở đây bà này phải đóng cho ông Lê Văn Thắng 500.000 đồng tiền “thế chân” và hàng ngày phải đóng thêm tiền phí vệ sinh môi trường 40.000 đồng.

Chị Nguyễn Thị Tùng bức xúc cho biết: “Hàng tháng tôi đã đóng tiền thuế ki ốt cho UBND thị trấn Dùng hơn 4,3 triệu đồng, nhưng hàng ngày vẫn bị ông Lê Văn Thắng đòi thu 20.000 đồng tiền phí vệ sinh môi trường. Ngày 26/7, tôi đang bán hàng trước ki ốt của gia đình thì ông Thắng đến đòi thu tiền phí vệ sinh, tôi chỉ đưa 10.000 đồng. Chê ít, ông Thắng không chịu lấy và 2 bên xảy ra tranh cãi với nhau. Bất ngờ ông Thắng xông vào bóp cổ, nắm tóc, đấm đá túi bụi khiến tôi ngã xuống đất”.

Theo rất nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Chiều thị trấn Dùng cho hay, dù có ốt trúng đấu giá tại chợ, hàng tháng họ phải đóng một số tiền khá lớn cho UBND thị trấn, nhưng do ông Lê Văn Thắng đã biến nhà xe thành nơi kinh doanh, buộc họ phải bỏ ốt, chạy ra ngoài “quỵ luỵ” ông này, chấp nhận đóng tiền “thế chân” để được bán hàng tại đây.

“Nếu ai chứng kiến cảnh ông Thắng đi thu tiền chợ, chửi mắng tiểu thương thì cũng phải ứa nước mắt. Ông Thắng tự cho mình cái quyền đặt ra mức thu và dùng lời lẽ xỉ nhục, xúc phạm tiểu thương không khác gì cường hào, ác bá ngày xưa”, tiểu thương Trần Thị Quý đang bán hàng tại chợ Chiều cho biết.

Ông Thắng thu phí "bảo kê" họp chợ giữa đường.

Không dừng lại ở đó, ông Thắng còn ngang nhiên thu phí "bảo kê” đối với những tiểu thương buôn bán trên lòng đường, vỉa hè. Sự việc này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng không bị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng xử lý.

Để xác minh, làm rõ sự việc, PV đã "nhập vai" thành người dân địa phương, nhiều ngày có mặt tại chợ Chiều. Ngay ở cổng ra vào, vợ chồng ông Lê Văn Thắng ngồi túc trực suốt thời gian diễn ra phiên chợ, để vừa thu tiền gửi xe, vừa thu tiền chợ và quản lý tiểu thương kinh doanh buôn bán.

Phía ngoài cổng chợ, bất chấp biển cấm, ông Lê Văn Thắng ngang nhiên đưa chiếc xe tải mang BKS: 37C – 067.61 ra dừng đỗ, chiếm dụng lòng đường. Đến khoảng 16h hàng ngày, ông này lần lượt đi khắp chợ thu tiền phí vệ sinh môi trường. Dù ấm ức bị thu phí cao hơn quy định, nhưng các tiểu thương buộc phải chấp nhận đóng tiền để được yên ổn làm ăn.

Sau khi thu hết tiền phí trong chợ, ông Thắng tiếp tục tiến ra ngoài, thu tiền của những tiểu thương vi phạm lấn chiếm lòng đường và vỉa hè để kinh doanh. Do biết luật từ trước, không ai bảo ai, tất cả đều móc tiền ra đóng phí cho “quản lý lòng đường, vỉa hè” để được tiếp tục buôn bán.

Bất chấp biển cấm, ông Thắng mang xe tải ra đỗ giữa lòng đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thắng cho biết: “Hàng tháng tôi phải đóng tiền thầu chợ cho UBND thị trấn Dùng hơn 27,3 triệu đồng, nên được lãnh đạo thị trấn “linh động” cho tận dụng nhà xe để kinh doanh”. Ông Thắng cũng thừa nhận việc thu phí vệ sinh môi trường đối với những người kinh doanh giữa lòng đường, vỉa hè là sai quy định. Nguyên nhân việc tận thu trên được ông này giải thích là hàng tháng phải đóng cho thị trấn số tiền quá cao, nên buộc phải tính vào đầu các tiểu thương. Ngoài ra, ông Lê Văn Thắng phủ nhận việc mình đánh đập chị Nguyễn Thị Thanh Tùng khi đi thu tiền phí chợ vào ngày 26/7.

Ông Tưởng Đăng Hào, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Dùng cho biết: "Ông Lê Văn Thắng được UBND thị trấn ký hợp đồng quản lý, khai thác chợ Chiều, thị trấn huyện trong thời hạn 3 năm. Hàng tháng, ông Thắng tiến hành thu phí chợ theo quy định để nộp lại cho UBND thị trấn như mức cam kết trong hợp đồng. Việc ông Thắng đưa xe tải ra căng dây giữa lòng đường và thu tiền chợ đối với những người kinh doanh ngoài đường là sai quy định, chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý". Ngoài ra, ông Hào cũng thừa nhận thị trấn “tạo điều kiện” cho ông Thắng tận dụng hành lang nhà xe để kinh doanh.

Thượng tá Đậu Viết Thọ, Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương cho biết, sau khi nhận được đơn tố giác của chị Nguyễn Thị Thanh Tùng, xã Thanh Chi, đơn vị đã tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh và sẽ trả lời công dân theo quy định.

“Chỗ đánh đập, huỷ hoại tài sản của tiểu thương, nếu đủ yếu tố hình sự chúng tôi sẽ cho khởi tố, còn chưa đủ yếu tố hình sự thì sẽ tiến hành xử lý hành chính để răn đe”, Thượng tá Thọ cho hay.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.

Tác giả: Nhóm PVMT

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP