Theo tiết lộ của New York Times, trong một buổi họp tại Phòng Bầu dục ngày 12/11, Tổng thống Trump đã hỏi nhóm cố vấn cấp cao về những phương án tấn công cơ sở hạt nhân chủ lực của Iran. Ông muốn cuộc tấn công xảy ra trong vài tuần tới. Điều này khiến nhóm cố vấn sửng sốt.
Cuộc họp nói trên ở Nhà Trắng diễn ra chỉ một ngày sau khi thanh sát viên quốc tế phát hiện Iran tăng dự trữ nguyên liệu hạt nhân, theo chia sẻ từ 4 nhân vật đã và đang làm việc trong chính phủ Mỹ.
Cuộc họp ở Phòng Bầu dục
Các cố vấn đã thuyết phục được ông Trump không xúc tiến kế hoạch tấn công quân sự. Nhóm này bao gồm Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley.
Trong những tuần có thể là cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, các quan chức hàng đầu chính phủ lo ngại xung đột leo thang và lan rộng. Họ hiểu rằng bất kỳ đòn đánh nào mà ông Trump mong muốn, dù là không kích bằng tên lửa hay tấn công mạng, nhiều khả năng sẽ nhắm vào Natanz.
Đây là cơ sở mà thanh sát viên quốc tế phát hiện gia tăng trữ lượng uranium. Mức cất trữ hiện nay gấp 12 lần quy định trong thỏa thuận hạt nhân ký vào năm 2015.
Các nguồn tin tiết lộ Tổng thống Trump tuần qua đã hỏi ý kiến các cố vấn về phương án tấn công Iran. Ảnh: New York Times. |
Theo nguồn tin của New York Times, ông Pompeo và tướng Milley đã giải thích cho Tổng thống Trump về rủi ro leo thang quân sự. Sau khi nhóm cố vấn rời khỏi phòng họp, họ tin rằng nhà lãnh đạo không còn cân nhắc phương án không kích bằng tên lửa.
Trước cuộc gặp nói trên, ông Trump ngày 11/11 còn thảo luận với một nhóm cố vấn an ninh với nội dung cũng về Iran. Các nguồn tin cho rằng Tổng thống Trump vẫn tìm cách nhắm đến đồng minh và những lợi ích của Iran, bao gồm lực lượng dân quân hoạt động ở Iraq nhưng được Tehran chống lưng.
Việc ông Trump tung đòn đánh mới nhắm vào Iran có thể sẽ làm phật lòng cử tri Mỹ. Đông đảo người dân phản đối Mỹ đào sâu xung đột tại Trung Đông.
Tuy nhiên, quan hệ Washington - Tehran xấu đi lại là điều có thể ngăn cản tổng thống đắc cử Joe Biden khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - điều luôn bị ông Trump gọi là thất bại của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Từ khi ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và một số quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc, nhiều người lo ngại về một viễn cảnh xung đột quân sự với Iran hay bất kỳ đối thủ của Mỹ trước khi ông Trump rời Nhà Trắng.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đang có hơn 2.442 kg uranium được làm giàu ở mức thấp. Viện Khoa học Và An ninh Quốc tế (ISIS) ước tính số nguyên liệu đủ để sản xuất 2 vũ khí hạt nhân.
Dù vậy, việc làm giàu uranium đến cấp độ vũ khí cần thêm vài tháng nữa. Điều này đồng nghĩa nếu Iran thật sự muốn sản xuất vũ khí hạt nhân, họ phải bắt đầu từ ngay ở thời điểm hiện tại. Quá trình này có thể vẫn chưa kết thúc sau tháng 1/2021 - thời điểm một tổng thống Mỹ nhậm chức.
Lần gần nhất một tổng thống Mỹ phải tìm phương án ứng phó đe dọa hạt nhân từ Iran ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ là vào năm 2008, dưới thời George W. Bush. Washington nhận được yêu cầu hỗ trợ từ Israel bao gồm tình báo, bom xuyên phá công sự và máy bay ném bom để sử dụng cho một cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân của Iran.
Theo hồi ký của cựu Phó tổng thống Dick Cheney, Tổng thống Bush không ủng hộ phương án này. Mỹ sau đó phối hợp với Israel mở cuộc tấn công mạng nhắm vào Natanz, qua đó vô hiệu hóa khoảng 1.000 máy ly tâm hạt nhân của Iran.
Lối vào cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ từ cả hai phía
Mỹ không phải là bên duy nhất đang đánh giá các phương án hành động trong vài tuần tới. Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Mike Pompeo luôn theo dõi rất sát sao những diễn biến ở Iraq. Ông lo ngại nguy cơ Iran hoặc các nhóm vũ trang thân Iran tấn công nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ ở nước này.
Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng được cho là muốn đóng cửa đại sứ quán tại Baghdad trước những rủi ro an ninh. Tuy nhiên, sau đó ông lại nghiêng về hướng bàn giao bài toán Iraq cho chính phủ kế nhiệm. Đại sứ quán ở Iraq cũng là phái bộ ngoại giao Mỹ có quy mô lớn nhất trên thế giới. Việc đóng cửa cơ sở này có thể mất nhiều tháng mới hoàn thành.
Tuy nhiên, toàn bộ chiến thuật kiềm chế này có thể thay đổi nếu chẳng may có công dân Mỹ bị sát hại trước lễ nhậm chức của tổng thống mới.
Các quan chức Mỹ đang đặc biệt lo ngại về ngày 3/1/2021. Đó là dịp kỷ niệm một năm sau vụ lính Mỹ ám sát tướng Qassim Soleimani - chỉ huy lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran.
Vụ ám sát bằng máy bay không người lái xảy ra ngay tại Baghdad. Đi cùng xe với tướng Soleimani là một chỉ huy lực lượng dân quân Iraq vốn thân với Iran. Chính quyền Tehran nhiều lần tuyên bố sẽ trả thù cho vị tư lệnh và đồng minh của mình.
Ông Pompeo vừa qua cũng cảnh báo Mỹ sẵn sàng đáp trả bằng biện pháp quân sự nếu Iran vượt lằn ranh đỏ và giết hại công dân Mỹ.
Tác giả: Thanh Danh
Nguồn tin: zingnews.vn