Theo đó, tại Kế hoạch số 262-KH/TU, Tỉnh ủy đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp sau: Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án liên quan đến phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách về nuôi trồng, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo quản, chế biến phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ hiện đại hóa nghề cá, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, nâng cao cuộc sống.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Quản lý chặt chẽ đội tàu và cường lực khai thác; tổng rà soát, thống kê số lượng tàu cá, nghề khai thác và thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá không giấy phép, không đăng ký, đăng kiểm; thực hiện nghiêm việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; giám sát được 100% sản lượng khai thác hải sản tại cảng, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp được xuất khẩu ra nước ngoài.
Kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm và đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng Kiểm ngư tỉnh và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Điều tra, xác minh, xử lý triệt để đối với các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về mất kết nối giám sát hành trình (VNS), vượt ranh giới cho phép trên biển, khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tập trung nguồn lực nhà nước gắn với huy động nguồn lực từ xã hội, hợp tác công tư để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nuôi trồng, khai thác thủy sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển ngành thủy sản gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân, người lao động có liên quan; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, tập huấn các quy định pháp luật về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đa dạng hình thức tuyên truyền, tập huấn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Công khai rộng rãi các tấm gương điển hình, tiêu biểu để khuyến khích, động viên; các trường vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định bị xử lý trên các phương tiện truyền thông để răn đe, giáo dục.
Chủ động nắm bắt tình hình, thu thập thông tin, hồ sơ, bằng chứng tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá vi phạm của Nghệ An (nếu có) để phục vụ công tác điều tra, xử lý và bảo hộ công dân; kịp thời trao đổi thông tin với cơ quan chức năng trong nước để đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Nghệ An không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại những vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước,
Tổ chức sơ kết hàng năm, tổng kết theo quy định việc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW gắn với biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định…
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn