Giáo dục

Nan giải chuyện bỏ học ở xã biển Sơn Hải

Những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở xã miền biển Sơn Hải (Quỳnh Lưu) đã trở thành câu chuyện chưa có hồi kết. Tuy các ban, ngành của tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhưng vấn đề duy trì đủ số học sinh đến lớp, nhất là vận động các em trở lại trường còn gặp nhiều trở ngại.

Thời điểm học sinh ở xã Sơn Hải bỏ học nhiều chủ yếu xảy ra vào đầu năm học và sau Tết Nguyên đán hằng năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, toàn xã có 132 em bậc THCS bỏ học giữa chừng, đặc biệt năm học 2013 – 2014 có 55 em bỏ học, tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng.
4 năm học vừa qua, trường THCS Sơn Hải có 132 em học sinh bỏ học

Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là do công tác quản lý của các trường còn nhiều hạn chế. Một số trường chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh; không phân loại kịp thời trình độ học lực của các em ngay từ đầu cấp; kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng giúp đỡ học sinh yếu, kém chưa sát thực tế.

Nhiều học sinh chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị hổng kiến thức từ cấp học dưới, dẫn đến không tiếp thu được bài mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, lớp học.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng ít quan tâm, phó mặc toàn bộ công tác giáo dục con em mình cho nhà trường, nên dễ dẫn tới việc các em bị bạn bè rủ rê rồi bỏ học. Trong những học sinh bỏ học, cũng có một số em do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải nghỉ học để ở nhà tham gia lao động, đi biển hoặc đi giúp việc kiếm tiền phụ giúp gia đình... Trong khi đó, các ban, ngành, chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp cụ thể trong việc vận động học sinh trở lại trường.

Toàn cảnh trường THCS Sơn Hải

Để khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã nhiều lần làm việc và có công văn chỉ đạo xã Sơn Hải, ngành giáo dục phải khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ngành giáo dục và các nhà trường phải thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp"; tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém. Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm trong việc bám sát lớp, nắm bắt kịp thời diễn biến về tâm tư tình cảm đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.

Thầy Hồ Xuân Hùng – Hiệu trưởng trường THCS Sơn Hải cho biết: Rút kinh nghiệm các năm trước, năm học 2016 – 2017 này, Ban Giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm lớp phải gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, động viên các em cố gắng vượt qua khó khăn và tổ chức phụ đạo cho các em có học lực yếu, kém; thông báo kịp thời với địa phương và gia đình những trường hợp có nguy cơ bỏ học để vận động các em ra lớp.

Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để học sinh thực sự có điều kiện, đảm bảo việc học, khắc phục dần và đi đến chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học.

Tác giả bài viết: Thanh Toàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP