Thế giới

Mỹ “vừa đấm vừa xoa” Trung Quốc

Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump, bên cạnh tuyên bố Mỹ cần phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc, không quên chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề sở hữu trí tuệ, duy trì đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu, bán phá giá sản phẩm và không thực sự nỗ lực trong việc giải quyết các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Trong bài phát biểu hôm 9-12 tại bang Iowa, ông Trump nhấn mạnh: “Một trong những mối quan hệ quan trọng nhất mà chúng ta phải cải thiện, đó là quan hệ với Trung Quốc”.

Để làm rõ quan điểm của mình, ông Trump đã lựa chọn Thống đốc bang Iowa Terry Branstad, người từng công du Trung Quốc trong 6 sứ mệnh chính thức về thương mại của Mỹ, làm Đại sứ của “xứ cờ hoa” tại Trung Quốc. Động thái này được đánh giá là “một động thái tích cực của ông Trump hướng tới một mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa Washington và Bắc Kinh”.

Chính Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng gọi ông Branstad là một “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc” và rất hoan nghênh quyết định đề cử ông. Tuy nhiên, ngay sau đó, tỉ phú Trump lại chê rằng, mặc dù là hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, nhưng không giống như Mỹ, “Trung Quốc thiếu tôn trọng luật chơi và đã đến lúc Bắc Kinh cần phải bắt đầu suy nghĩ lại về điều này”.


Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại bang Iowa hôm 9-12. Ảnh: NBC

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng phê phán mạnh mẽ chính sách kinh tế của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh về việc tùy tiện phá giá đồng NDT (gây khó khăn cho các công ty Mỹ trong việc cạnh tranh), áp thuế cao đối với những sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc (trong khi Mỹ không đánh thuế họ), không giúp đỡ giải quyết mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và xây dựng trái phép tổ hợp quân sự lớn giữa Biển Đông.

Trên thực tế, trong mối quan hệ vốn nhạy cảm giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian này đã xuất hiện thêm nhiều “đám mây đen” và đây được cho là “điềm báo” cho những sóng gió trong năm tới. Hồi cuối tuần trước, vị lãnh đạo Mỹ tương lai đã châm ngòi “bão lửa” trong mối quan hệ này khi thực hiện cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn.

Tiếp ngay sau đó là việc Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama ra quyết định ngăn cản Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) của Trung Quốc thực hiện thương vụ thâu tóm công ty điện tử Aixtron của Đức có trụ sở tại Mỹ.

Nguyên nhân Mỹ ngăn cản thương vụ trên vì cho rằng, những công nghệ của công ty này có thể được sử dụng trong các thiết bị quân sự, và coi đây là “mối đe dọa đến an ninh quốc gia” của Mỹ một khi Aixtron rơi vào tay công ty của Trung Quốc.

Và gần đây nhất là việc Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubia đệ trình lên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện dự luật “Đạo luận trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2016”, trong đó đề nghị kế hoạch nhằm trừng phạt những thực thể và cá nhân Trung Quốc “tham gia hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”.

Dự luật trên nêu rõ: “Trung Quốc không nên được phép tiếp tục theo đuổi những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và quân sự hóa khu vực quan trọng đối với an ninh toàn cầu”. Những dấu hiệu trên cho thấy, căng thẳng không chỉ giữa Trung Quốc với chính phủ đương nhiệm của Mỹ và với cả chính phủ sắp tới của ông Trump.

Theo giới quan sát, những bình luận của ông Trump chắc chắn sẽ khiến giới lãnh đạo tại Bắc Kinh quan ngại, nhưng vào thời điểm này, họ sẽ kiềm chế và dõi theo chặt chẽ những động thái của vị tỉ phú này.

Bắc Kinh sẽ không chỉ trích ngay lập tức mà sẽ xác định phản ứng của mình trong vòng vài tháng tới sau khi ông Trump chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng thống Mỹ. Nhưng thực tế không phải vậy.

Về cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức lên tiếng phản đối cuộc điện đàm này, yêu cầu Mỹ tôn trọng chính sách “một nước Trung Quốc”, nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong 3 văn kiện chung đã được ký kết giữa hai nước, thận trọng và cẩn thận xử lý thỏa đáng những vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc) để tránh tạo ra những xáo trộn không cần thiết trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Tờ China Daily thì “hóm hỉnh” rằng việc ông Trump nhận cuộc gọi của bà Thái Anh Văn là do “hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị - ngoại giao”.

Trong khi đó, tờ Global Times, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc lạc quan cho rằng, Tổng thống đắc cử Trump có thể đang tìm kiếm một số cơ hội bằng cách gây ra sóng gió.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối việc Tổng thống Obama can thiệp ngăn chặn công ty của nước này thâu tóm công ty điện tử của Đức. Bắc Kinh cho rằng, việc ngăn cấm thương vụ trên là “chính trị hóa” hoạt động thương mại bình thường theo quy luật thị trường của các công ty.

Theo đó, việc công ty Trung Quốc thu mua công ty Aixtron của Đức chỉ đơn thuần là “hành vi thị trường”. Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa và can thiệp về mặt chính trị đối với hoạt động mua bán bình thường theo quy luật thị trường của các công ty.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh ngừng cải tạo đất xung quanh các đảo và đá ngầm ở Biển Đông cũng như điều tàu khu trục đến tuần tra tại khu vực này. Tuy nhiên, cho đến nay Bắc Kinh phớt lờ những lời kêu gọi này và khăng khăng rằng, những nỗ lực cải tạo đất của họ chỉ dành cho mục đích dân sự.

Nhưng xem ra giờ đây, Bắc Kinh cần thay đổi. Với việc liên tục chỉ trích động thái của Trung Quốc ở biển Đông, Tổng thống đắc cử Trump đang cho thấy sẽ có những quyết định mạnh mẽ hơn trong vấn đề này khi lên nắm quyền.

Tác giả bài viết: Khổng Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP