Cuộc sống

Mùa xuân đầu tiên của bé Gấu - con trai Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm

Em sinh ra từ tình yêu của mẹ và nước mắt của cha. Sự hiện diện của em trên cõi đời này là một điều kỳ diệu của cuộc sống. Em – một đứa trẻ đã nhận được biết bao lời động viên, khích lệ từ khi còn đang cuộn tròn trong bụng mẹ. Mùa xuân đầu tiên của bé Gấu – con trai Trung úy Trần Mạnh Hà và Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, Công an tỉnh Hà Tĩnh - là mùa xuân tràn ngập tình yêu thương, niềm tin và hy vọng.

Chuyện của bố Gấu

Hà Nội trời chuyển gió. Đêm muộn, bố Gấu trở về phòng 411 nhà khách Bộ Công an trong tâm trạng rất lạ. Tối nay anh chủ động mời cơm những ông bố, bà mẹ trẻ đã giúp đỡ bố con anh trong quãng thời gian vô cùng khó khăn của cuộc đời. Bầu sữa nóng của vợ những người đàn ông đang ngồi bên anh đã giúp bé Gấu có sức khỏe và tinh thần vượt qua thời điểm gian nan.

Anh coi họ là ân nhân. Sau bữa cơm này, chỉ sáng mai thôi, bố con anh sẽ ôm nhau về quê bắt đầu một cuộc sống mới. Và, cũng từ đây, bố con anh đã có thêm những người bạn đặc biệt. Việc làm của họ với bố con anh là nghĩa cử vô cùng quý giá, nuôi dưỡng sức khỏe và niềm tin về lòng nhân hậu, tình người trong một xã hội đầy phức tạp.

Có giây phút, anh đã lặng đi khi nghĩ tới người vợ thân yêu đã rời xa, rồi nâng chén rượu trong nước mắt cùng các ông bố “bỉm sữa”. Vợ anh, người đồng chí, đồng đội có lẽ cũng đã mỉm cười ở thế giới bên kia.

Bé Gấu khỏe mạnh, lớn lên trong sự chăm sóc và tình yêu vô bờ của cha.
Bé Gấu khỏe mạnh, lớn lên trong sự chăm sóc và tình yêu vô bờ của cha.

Trước ngày Trung úy Trần Mạnh Hà đưa con về Hà Tĩnh, chúng tôi đã ngồi cùng nhau khá lâu trong quán cà phê quen thuộc trên phố Nguyễn Du. Có lẽ, chia sẻ những suy nghĩ trong lòng cũng là nhu cầu của anh để giải tỏa căng thẳng. Bởi vậy khi đối diện với tôi, anh mở lòng, sẻ chia về những tháng ngày đầu tiên có bé Gấu trong vòng tay.

Cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng anh chỉ như một cái chớp mắt. Trâm và anh quen biết nhau chưa đầy một năm thì cưới, cưới nhau chưa đầy một năm thì vĩnh viễn mất nhau. Mất nhau trong niềm đau, mất nhau trong sự nuối tiếc khôn nguôi nhưng tình yêu của người mẹ đã hóa thành bất tử.

Ngày 10-7, ca mổ có một không hai ở Bệnh viện K Trung ương có sự hỗ trợ của kíp mổ từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bà mẹ 25 tuổi được phẫu thuật “bắt con” trong tư thế ngồi, không được gây mê. Các bác sỹ lo lắng rằng nếu gây mê, có thể bà mẹ sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Khi buộc phải tách rời em bé ra khỏi bụng mẹ lúc mới 29 tuần tuổi là lúc cơ thể của mẹ không còn đủ chức chịu đựng, căn bệnh ung thư phổi đã di căn, xâm lấn, gây nguy hiểm cho tính mạng cả hai mẹ con. Một đứa trẻ đã ra đời với sức chịu đựng phi thường của mẹ.

Em bé 1,2kg sinh non tháng, nằm gọn trong hai bàn tay của bác sỹ được đưa ngay vào lồng ấp với hy vọng mong manh về sự sống. Mẹ bé ngay lập tức bắt đầu bước vào điều trị với phác đồ của một bệnh nhân ung thư. Nhưng, tất cả đã muộn.

Đậu Thị Huyền Trâm – nữ Thiếu úy Công an nhân dân đã sống những ngày cuối đời trong tình yêu của người thân và sự khâm phục của những người đã biết về em. Ở tuổi 25, những ước mơ, hoài bão về tương lai, về cuộc sống mới bắt đầu, nhưng em đã kiên quyết dừng lại, nuôi dưỡng ước mơ bằng sự tiếp nối của một trái tim nhỏ nhoi đang thổn thức trong cơ thể mình.

Ngày Trâm ra đi, người thân, bạn bè, đồng đội nghẹn ngào nuối tiếc. Người mẹ trẻ kiên quyết từ chối điều trị bệnh ung thư phổi để giữ lại mạng sống cho con đã chiến đấu với cuộc sống này đúng như bản lĩnh của một người chiến sỹ Công an. Nằm trong lồng kính, bé Gấu chỉ được gặp mẹ một lần duy nhất trong đời.

Anh Hà nhớ lại những ngày giành giật cuộc sống cùng vợ. Anh thường ngồi làm điểm tựa cả đêm cho vợ ngủ vì Trâm không thể nằm được. Cánh tay làm gối cho Trâm cố gắng không cử động để giữ yên giấc ngủ của vợ. Dù vất vả chăm sóc, nâng giấc vợ hằng ngày nhưng sự vất vả ấy chẳng thể so được với nỗi đau đớn anh mang trong lòng.

Bây giờ, tình yêu của anh dồn cả vào bé Gấu. Anh bảo, sau lễ cầu siêu cho Trâm, anh không còn mơ thấy vợ nữa, nhưng khi ở nhà, lúc nào anh cũng có cảm giác Trâm đang ở đâu đấy bên anh và con.

Có lẽ hơi thiên vị khi nói nhiều về Trâm trong khi cả xã hội còn rất nhiều bà mẹ sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để dành tất cả cho con. Tình mẫu tử vốn thiêng liêng, cao cả như thế. Nhưng, cuộc vượt cạn đặc biệt của Trâm, trái tim nhân hậu của em và cả những câu chuyện thấm đẫm tình người ở xung quanh em chẳng phải là đáng nhắc đến sao?

Và hơn nữa, phía sau câu chuyện của Trâm còn tiếp nối một câu chuyện cảm động, đầy tình người dù rất đời thường, rất bình dị. Đó là câu chuyện về tình phụ tử, về người cha ngày ngày rong ruổi xin sữa cho con, thêm một minh chứng cho tình yêu tiếp nối tình yêu.

Trái ngọt từ nước mắt và tình yêu

Tôi đã gặp bà ngoại của Gấu ở Bệnh viện K Trung ương. Tôi cũng bị ám ảnh bởi những giọt nước mắt của bà, bàn tay bà nắm chặt tay con gái, cố kìm nén cảm xúc cứ chực bật ra thành tiếng. Khi Trâm vừa được 3 tháng tuổi, bà cũng mới bước sang tuổi 33, bố Trâm đã bỏ 3 mẹ con bà, từ giã cuộc sống này. Nay, bà lại đối diện với nỗi đau của 25 năm về trước, lại mất mát không gì bù đắp được. Sau ngày Trâm qua đời, bà trở về Hà Tĩnh, không còn đủ sức để ở bên cháu ngoại.

Nụ cười rạng rỡ của bà ngoại bên bé Gấu.
Nụ cười rạng rỡ của bà ngoại bên bé Gấu.

Trước ngày bé Gấu về quê, bà ra Hà Nội ngủ với bé 2 đêm rồi đón bé về. Bà ngoại ôm Gấu trong lòng, ngắm nghía hồi lâu rồi ngẩng lên hỏi tôi, nét mặt rạng rỡ: “Cháu thấy Gấu có giống mẹ không?” “Dạ giống ạ! Nhất là đôi mắt”. Bà chỉ vào cái miệng xinh xinh đang tóp tép: “Cả cái này nữa”. Dứt lời, từ khóe mắt bà lại rịn ra những giọt nước mắt. Hình ảnh con gái hiển hiện rõ trên từng nét mặt của bé Gấu. Nhìn cháu, nỗi nhớ con, thương cháu lại trào lên. Trâm mất bố cũng ở tuổi này.

Không có người thân bên cạnh chăm bé Gấu, một mình anh Hà cùng bà giúp việc vật lộn với bỉm sữa của cậu con trai yếu ớt, nằm trọn trong lòng bàn tay. Có mẹ chăm con còn khó, đằng này, một ông bố trẻ đang bị stress nặng phải nuôi con mới 1,8kg quả thật là vô cùng gian nan.

Từ khi bé Gấu rời bệnh viện, anh Hà nghiên cứu chi tiết cách chăm sóc con, đi tìm nguồn sữa mẹ cho con. Anh bảo: “Con được bú mẹ trực tiếp sẽ kích thích trí não phát triển, có được sự giao tiếp qua lại và có nhiều tình cảm hơn”. Thế nên, người cha ấy đã không ngại ngần vượt đường xa xin sữa về cho con, đưa đón bà mẹ trẻ về nhà khách cho bé bú trực tiếp, đặt mua loại sữa phù hợp với sức khỏe của bé, theo dõi từng sự thay đổi trong cơ thể của con… Bé Gấu phát triển khỏe mạnh, bụ bẫm, đó là công trình vĩ đại của anh, tiếp nối từ người mẹ truyền cho sự sống và được ấp ủ từ bầu sữa ân tình của những bà mẹ.

Câu chuyện của gia đình bé Gấu là câu chuyện thấm đẫm tình người và hơn thế, đó là câu chuyện về nghị lực, về sức mạnh của tình yêu giúp con người vượt qua mọi thử thách.

 Bé Gấu đã quen với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung và lớn lên khỏe mạnh trong vòng tay nội ngoại. Mùa xuân này là mùa xuân đầu tiên của em bên những cánh đào thắm, những cánh mai vàng. Năm mới bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời của em bắt đầu từ tình yêu của mẹ. Câu chuyện của em đã khiến bao người rơi nước mắt, và giờ đây, lại thêm những giọt nước mắt hạnh phúc vì có em khỏe mạnh ở trên đời. Bé Gấu sẽ sống thay phần của mẹ, là trái ngọt mà Trâm để lại cho cuộc đời.

Tác giả bài viết: Việt Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP