Cuộc sống

Một lần sai lầm vì 'thất tình', cả đời day dứt ân hận

Căn nhà nhỏ đơn sơ ở xóm Hồng Thịnh (xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) là nơi tá túc của chị Trương Thị Lan (SN 1958) suốt gần 6 năm qua. Sau hơn 23 năm biệt tích, cuối cùng người phụ nữ ấy đã đoàn tụ cùng gia đình, anh em nội tộc, có điều chị đã không được gặp mặt bố mẹ lần cuối.

1 IGPP jpg
Trở về quê, chị Lan mở tiệm tạp hóa nhỏ sống qua ngày

Nhắc lại khoảng thời gian 23 năm lưu lạc xứ người, giọng chị Lan chùng xuống: “Thời điểm đó, chuyện người yêu phụ tình khiến tôi vô cùng tuyệt vọng. Đang lúc chán nản, tôi được một người đàn bà nói giọng Bắc rủ đi làm ăn xa nên khăn gói đi theo. Không ngờ cuộc đời tôi rẽ ngang từ đó”.

Theo lời chị Lan, thuở mười tám đôi mươi chị đem lòng yêu chàng trai cùng làng. Tình yêu của họ được hai gia đình đồng ý, vun vén. Cả hai đã tổ chức lễ ăn hỏi, chỉ chờ đợi một đám cưới diễn ra, nhưng biến cố đã xảy ra. Căn bệnh viêm đường ruột quái ác buộc chị phải cắt đi 1,8m ruột non và mất luôn khả năng sinh con. Cùng thời điểm này, chàng trai từng đính ước, sau thời nhập ngũ đã về quê để tiến hành đám cưới.

Tuy nhiên sau khi biết tình hình sức khỏe vợ sắp cưới, anh này đã lặng lẽ cắt đứt mọi quan hệ. Tất cả dường như chấm hết đối với người con gái đang tuổi xuân thì. Chị nhớ lại: “Lúc đó tôi và gia đình không hề nhận được câu nói nào từ anh ấy và gia đình. Họ im lặng, không một lời giải thích cụ thể”. Chưa đầy nửa năm sau, người đó tổ chức đám cưới với cô gái làng bên.

Nỗi buồn vì bị người yêu phụ tình khiến Lan buồn rầu, chán nản. Cùng thời điểm trên cô gái trẻ được người phụ nữ lạ rủ đi làm ăn xa và Lan đã đồng ý đi theo. “Tôi không nhớ rõ ngày nào, nhưng đó là dịp cuối năm 1989. Hôm đó, tôi chỉ kịp cầm theo mấy bộ quần áo, lẽo đẽo đi theo người ta”.

Sau nhiều ngày đi bộ đến rạc cả chân, chị Lan cùng những người khác được đưa lên một chiếc xe khách. Ngồi trên xe khoảng 2 ngày chị bị đưa xuống ngôi nhà lạ, xung quanh mọi người nói với nhau bằng ngôn ngữ khác. Lúc này, chị và những người đi cùng mới biết mình bị bán sang Trung Quốc.

Tại xứ người, chị Lan bị bán cho một người đàn ông bị tàn tật sinh sống ở ngôi làng thuộc miền Trung Trung Quốc. Do chồng không lành lặn nên cuộc sống của họ khá chật vật. Hàng ngày, chị Lan làm công việc nội trợ, thi thoảng được chồng cho ra ngoài. Nhà nghèo, lại ít giao tiếp với người bản địa nên chị chấp nhận sống lủi thủi trong làng. Chị Lan cũng quên luôn suy nghĩ tìm đường về quê.

Do không có khả năng sinh con, nhà lại neo người nên cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng tẻ nhạt. Chung sống 12 năm, vợ chồng chị quyết định nhận một đứa con nuôi là bé gái vài tháng tuổi: “Khổ cực nhưng bù lại tôi lại cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng đã được nghe tiếng “mẹ ơi” dù đứa con đó không phải mình đứt ruột sinh ra”.

Nhắc đến con gái, đôi mắt người mẹ ấy bỗng sáng lên: “Lúc tôi về Việt Nam, nó mới 11 tuổi, giờ chắc có lẽ giờ đang là nữ sinh cấp 3”

Lý do khiến người phụ nữ 23 năm phiêu bạt xứ người bỗng muốn tìm về cố hương là vì nhớ đến bố mẹ, các em. Đó là khoảng đầu năm 2011, lòng chị luôn cảm thấy nôn nóng, khó chịu, cứ nghĩ đến quê hương, bố mẹ, gia đình. Trằn trọc mấy đêm liền, chị quyết định sẽ tìm cách về Việt Nam.

Dự định đó gặp thuận lợi khi chị tình cờ chị gặp được một người phụ nữ cùng cảnh ngộ quê ở Phủ Lý, Hà Nam. Chị này được nhà chồng tin tưởng nên một năm cho về quê đến hai lần để tranh thủ buôn bán. Nhớ quê da diết, chị nhanh chóng nắm lấy cơ hội này.

Sau ba ngày rong ruổi, chị Lan đã đặt chân về quê. 23 năm trôi qua, làng quê nghèo đói ngày nào giờ đã đổi thay rất nhiều. “Trong đầu tôi chỉ nhớ đến địa danh Cầu Bùng (huyện Diễn Châu) nên xin nhà xe cho xuống chỗ đó. Nhưng vì không nhớ nhà mình ở đâu nên tôi chỉ biết chôn chân một chỗ. Cũng may lúc đó một người phụ nữ đi chợ về đã nhận ra tôi, đến hỏi chuyện và dẫn về nhà”, chị Lan kể lại.

Sau hơn 15 phút đi bộ, chị Lan đã đứng trước ngôi nhà của gia đình mình. Vừa bước chân đến thêm bậc thềm nhà em trai, đôi chân chị như qụy xuống khi nhìn thấy di ảnh bố mẹ mình, cạnh đó bức ảnh ngày trẻ của mình cũng được nhang khói cẩn thận. Thì ra trong khoảng thời gian dài chị phiêu bạt xứ người, bố mẹ chị đã lần lượt đau ốm rồi qua đời.

Mong muốn trước lúc lâm chung của đấng sinh thành là được nhìn mặt chị Lan nhưng không thực hiện được. Vài năm trước đó, các anh chị em trong nhà đã quyết định lập bàn thờ cho chị Lan vì sau thời gian dài biệt tích. Ngày đoàn tụ, mấy chị em ôm nhau khóc nức nở. Hôm đó, bàn thờ, di ảnh của chị cũng được mọi người đưa xuống.

Ý định ban đầu của chị Lan là chỉ về thăm quê, gia đình. Tuy nhiên tất cả anh em nhất quyết khuyên chị ở lại. Nhìn di ảnh bố mẹ, được thuật lại lời trăn trối của đấng sinh thành và trước sự khẩn khoản của anh em con cháu, chị ở nhà làm lại từ đầu.

Về quê với hai bàn tay trắng, chị Lan được anh em họ hàng, chính quyền địa phương quyên góp tiền, cất cho gian nhà nhỏ trên mảnh đất của bố mẹ lúc xưa. Sau đó chị vay vốn, mở quán tạp hóa ngay trong ngôi nhà của mình. “Tôi bán hàng cho khuây khỏa. Mỗi ngày kiếm mươi nghìn bạc kiếm tiền mua thức ăn chứ giờ nhiều tuổi, bệnh tật thế này không biết làm gì”, lời chị Lan.

Người phụ nữ này vừa phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt mật cách đây vài năm. Chưa hết, thần kinh chị cũng gặp vấn đề, không còn bình thường như trước, hễ trái gió trở trời là đầu óc, toàn thân chị lại đau, xương khớp đau nhức. Còn có điều khiến chị Lan trăn trở là nỗi nhớ đứa con nuôi ở Trung Quốc: “May là dù xa cách nhưng thi thoảng cháu vẫn gọi điện về Việt Nam nói chuyện với mẹ”.

Tác giả bài viết: Long Trần

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP